Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành, phát triển nhân cách. Tuy nhiên, các nhân tố khác cũng có tác động rất lớn đến hành vi vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên (VTN) như gia đình, học đường, xã hội…
Con hư nhưng cha mẹ không biết
Hơn 30 năm làm công tác xét xử và quản lý, bà Bùi Thị Lệ Thanh (nguyên Phó trưởng Phòng Kiểm sát các vụ án hình sự phúc thẩm - VKSND TP HCM) nhìn nhận giáo dục đóng vai trò cốt lõi đến hành vi của trẻ mới lớn.
Do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, trẻ VTN đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện về thể chất và tinh thần nên phần lớn chưa tự làm chủ được bản thân, dễ bị lôi kéo, kích động. Với đặc điểm tâm lý lứa tuổi ở giai đoạn này, khả năng phân biệt và nhận thức đúng, sai, hợp lý và không hợp lý còn rất hạn chế. Hơn nữa, nhu cầu học theo, bắt chước những gì các em thấy thông qua bạn bè, mạng xã hội khiến hành vi và nhận thức càng khó kiểm soát. Khi đó, nếu thiếu đi sự định hướng, uốn nắn kịp thời từ gia đình và nhà trường thì nguy cơ phạm tội sẽ càng trở nên rõ rệt. Đây có thể nói là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng vi phạm pháp luật.
"Nhiều năm tham gia xét xử và kiểm sát các vụ án trên địa bàn toàn TP HCM, tôi rất đau lòng khi chứng kiến nhiều cảnh éo le mà người chưa thành niên phạm tội. Nhiều bậc cha mẹ khi ra tòa cứ nói con mình ngoan hiền nhưng thực chất trẻ đã hư trong một thời gian dài. Do đó, trẻ con như một mầm xanh, cha mẹ phải uốn nắn, dạy dỗ khi còn nhỏ, đừng để trẻ tự lớn, tự sống chông chênh trong khi xã hội đầy rẫy cạm bẫy" - bà Thanh chia sẻ.
Bà Thanh cũng lưu ý một nguyên nhân khác đang diễn ra trong xã hội là hiện tượng ly hôn tràn lan. Những đứa trẻ sống trong gia đình chỉ có cha hoặc mẹ, không được chăm sóc đầy đủ, quan tâm đúng mực thường dễ sa ngã, bị dụ dỗ phạm tội.
Hai đối tượng chưa thành niên bị Công an TP HCM bắt khi giật điện thoại người đi đường
Cần môi trường giáo dục tốt
Đồng quan điểm về việc cho rằng giáo dục là nền tảng cốt lõi đối với trẻ VTN, bà Lê Thị Minh (giáo viên Trường THPT Vân Đồn, quận 4; đã nghỉ hưu) cho rằng bên cạnh gia đình, nhà trường là một môi trường giáo dục quan trọng để giúp các em ở lứa tuổi VTN hình thành nhân cách, định hướng trong cuộc sống sau này. Nếu không được giáo dục một cách toàn diện, lại sớm phải va chạm với thực tế cuộc sống khó khăn, dễ dẫn các em vào con đường phạm tội.
"Trong thực tế có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm quản lý, giáo dục học sinh giữa gia đình và nhà trường. Ngoài ra, một số tiêu cực được nghe, thấy ở môi trường giáo dục cũng sẽ khiến các em hoài nghi vào cuộc sống, hình thành những nhận thức sai lệch về chuẩn mực xã hội. Nếu trẻ phạm lỗi vặt mà người lớn, thầy cô không tìm hiểu, không sâu sát thì sẽ phạm những tội lớn hơn" - bà Minh lưu ý.
Bà Minh cũng cho rằng sinh hoạt ở địa phương đối với người chưa thành niên rất quan trọng, nên cần có những sân chơi bổ ích, lành mạnh cho trẻ được sinh hoạt, vui chơi, từ đó giúp phát triển tốt cả về nhân cách và thể chất.
Đánh giá về những bất cập trong giáo dục ở nhà trường, bà Vũ Xuân Nhuệ (Viện trưởng VKSND quận 3, TP HCM) cho rằng giáo dục phổ thông đang mất cân đối giữa các mặt trí, đức, thể mỹ. "Học sinh bị nhồi nhét những kiến thức khô khan mà không được bồi dưỡng kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử tình huống. Vì vậy, khi sa vào những tình huống nguy hiểm, cám dỗ, các em không tự thoát khỏi cái bẫy đã được giăng trước nên dễ phạm tội" - bà Nhuệ nói.
Theo bà Nhuệ, một trong những nguyên nhân khiến trẻ VTN phạm tội là trong khi có nhiều trẻ VTN thích nổi tiếng, bất cần đời thì một số em do bế tắc trong cuộc sống nên sẵn sàng đánh đổi để thể hiện cái tôi của mình. Có nhiều vụ án mà bị cáo VTN vừa là người phạm tội vừa là nạn nhân của một số người sử dụng trẻ cho việc làm phi pháp.
Phổ biến pháp luật cho giới trẻ
Để kéo giảm tội phạm VTN, bà Bùi Thị Lệ Thanh cho rằng nên nghĩ đến công tác giáo dục về nhận thức pháp luật cho giới trẻ. Muốn vậy, cần có những hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên một cách phong phú, đa dạng, thiết thực hơn. Hiện nay, Công an TP HCM thường xuyên kết hợp với Hội Luật gia TP đến trường học kể chuyện, chỉ dẫn những kiến thức pháp luật cho học sinh. "Từ những câu chuyện có thật, chúng tôi đã chỉ ra cho các em thấy nếu làm như vậy thì hậu quả sẽ ra sao. Chúng ta phải gieo vào đầu học sinh nhận thức đúng đắn thì mới mong kéo giảm tội phạm VTN" - bà Thanh nói.
Bình luận (0)