Ngày nay, người phạm tội có xu hướng ngày càng trẻ với hành vi phạm tội manh động, liều lĩnh. Việc phân tích các nguyên nhân phạm tội ở người lớn và vị thành niên (VTN) vừa có điểm chung nhưng cũng có điểm khác biệt.
Trẻ bị bỏ rơi ngay trong gia đình
Theo các nghiên cứu, có đến 80% trẻ VTN phạm tội rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong đó không ít vụ có bố mẹ là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc, gia đình thường xảy ra bạo lực. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ hoặc quá nuông chiều con hoặc thiếu kiên nhẫn, kinh nghiệm, kỹ năng tâm lý giáo dục, thiếu tôn trọng trẻ, chưa đồng cảm và nâng đỡ tâm hồn trẻ khi bị tổn thương; chưa dành thời gian để vui chơi, tâm sự, đồng hành với trẻ qua đó hướng dẫn, khuyên bảo trẻ, nhất là khi trẻ có tâm lý bất ổn, gặp sai lầm trắc trở, có hành vi lệch chuẩn. Do vậy, trẻ có tâm lý bị bỏ rơi, người lớn không hiểu mình, từ đó mà nhận thức và hành động dễ sai lầm, bất cần đời.
Một nguyên nhân nữa là công tác giáo dục pháp luật cho giới trẻ còn thiếu hoặc hời hợt nên luật pháp chưa thật sự phát huy được vai trò, chức năng điều tiết xã hội, răn đe và xử phạt. Chương trình đào tạo ở trường chỉ mới quan tâm đến việc truyền thụ kiến thức còn việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật chưa được quan tâm. Ngoài ra, nhiều trường hợp xử lý chưa nghiêm dẫn đến nhờn luật; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, nhiều kẽ hở, chưa sát thực tế dẫn đến khó khăn trong việc thực thi pháp luật.
Việc nhiều trẻ chưa tiền án, tiền sự nhưng ra tay tàn ác cho thấy xuất phát từ tâm lý bất ổn, từ sự thiếu cân bằng và chới với trong cuộc sống hoặc do áp lực của những mục tiêu chưa đạt được. Thay vì phải định hướng lại, kiên trì giải quyết vấn đề và hướng đến mục tiêu thì chính cách sống vội vàng, đầy hận thù choán tâm trí dẫn đến hành vi quá nhẫn tâm và thay đổi nhân cách.
Băng cướp tuổi teen bị Công an thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương bắt. Ảnh:NHƯ PHÚ
Trẻ phải làm chủ cuộc sống
Nhiều chuyên gia cũng đã đặt vấn đề, đưa ra nhiều khuyến nghị nhằm kéo giảm tội phạm VTN. Tuy nhiên, một trong những mục tiêu hướng đến là chú trọng giáo dục nhân cách, lối sống, nhận thức, tư duy tích cực. Từ đó giúp trẻ làm chủ cuộc sống, làm chủ bản thân, làm chủ cảm xúc, phòng ngừa sự bồng bột, tức giận, sự trả thù… Phải có chỗ dựa tinh thần, giúp trẻ ổn định tâm lý khi bị sốc, giúp trẻ học cách suy nghĩ xa hơn, thích nghi và nhận ra mọi mâu thuẫn đều có thể giải quyết.
Trẻ VTN cần được bổ sung, rèn giũa kỹ năng xây dựng, xử lý tình huống. Việc hình thành kỹ năng suy xét mối quan hệ, giá trị xã hội, tự kiểm soát mỗi hành vi là vô cùng quan trọng, giúp ích rất nhiều trong mô hình xã hội mở với nhiều mối quan hệ, nhiều giá trị sống và kênh thông tin hữu ích. Khi kỹ năng này được hình thành, trẻ sẽ tự biết bảo vệ mình để trở nên miễn dịch trước những hành vi phi nhân tính; tiếp nhận giá trị sống có ích cho cá nhân và cộng đồng; tự biết kiềm chế bản thân trong nhiều tình huống cám dỗ và biết dừng chân trước nguy cơ làm cái ác xuất hiện.
Tăng cường giáo dục pháp luật cho tuổi trẻ trong nhà trường, trong cộng đồng là rất quan trọng. Ngoài ra, cần phát huy vai trò các tôn giáo trong giáo dục đạo đức lành mạnh cho giới trẻ, qua đó giúp trẻ không dám làm điều xấu, điều ác, tích cực làm điều thiện, việc ích.
Làm bạn với trẻ, cùng trẻ rèn nhân cách là việc hết sức kỳ công, cần nghệ thuật, vốn sống và sự từng trải. Con hư thường do cha mẹ và là nỗi bất hạnh lớn nhất ở đời.
Xây dựng con người có tâm đức
Sự tham lam dễ làm người ta ngã quỵ khi không đạt được và có nguy cơ mất trắng. Sự toan tính ích kỷ dễ đẩy người ta đi đến cái bất thiện, thậm chí ác độc trong ứng xử. Sự bốc đồng, nóng vội, thiếu kiên nhẫn, thiếu cố gắng dễ đẩy trẻ rơi vào ngõ cụt. Sự bơ vơ, cô đơn tột độ đẩy một số bạn trẻ chới với sau thất bại và tàn nhẫn khi không nghĩ đến hậu quả và tương lai.
Tóm lại, cần tập trung xây dựng con người, chủ yếu là giới trẻ về nhân cách, thiện đức, lối sống có văn hóa.
Bình luận (0)