Hiện nay, loại hình app gọi xe không còn đơn thuần là dịch vụ nữa mà đã là năm thứ 4 cho thí điểm loại hình này rồi. Chừng đấy năm đã quá đủ, giờ không còn gì phải tranh cãi nữa mà phải khẳng định ngay rằng đây chắc chắn là loại hình dịch vụ vận tải. Xem xét về bản chất nền tảng công nghệ thì các app gọi xe như hiện nay đang dùng trí tuệ nhân tạo để xác định vị trí và kết nối hành khách, quyết định mức giá vào thời điểm nào. Vậy thì bản chất nó chính là taxi thời công nghệ 4.0. Khẳng định đây là taxi! Vậy, những cái gì định giá tập trung như thế phải là taxi.
Với tư cách cá nhân, tôi đề nghị tất cả những xe dưới 9 chỗ như thế là taxi. Còn với những hộ dân, cá nhân có 1 xe, chúng ta hỗ trợ họ theo đúng chủ trương của nhà nước là chuyển đổi thành doanh nghiệp (DN) có lộ trình. Bây giờ không quy định về số lượng phương tiện nữa, một xe cũng có thể làm DN. Còn nếu không theo nghị định hiện nay, chúng ta cứ quy định điều kiện chặt chẽ: "Anh là HTX hay hộ cá thể tôi không biết nhưng phải đúng điều kiện…; nếu không thì tôi đóng".
Xe Grab nếu là vận tải thì có quyền kinh doanh mọi phương thức vận tải và có đủ cơ sở để khẳng định đấy là taxi 4.0 Ảnh: GIA MINH
Hiện cái vướng là chúng ta không cương quyết xử lý các HTX dịch vụ chỉ thu tiền đàm, tiền đài mà không thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT). Chúng ta dường như không xử phạt, không rút giấy phép… Những pháp nhân ấy tôi đề nghị không nên cho phép KDVT. Đã KDVT, có bao nhiêu điều kiện thì phải thực hiện theo bấy nhiêu. Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện KDVT bằng ôtô sửa đổi đến nay đã đầy đủ chứ không cần bổ sung gì cả.
Tôi đề nghị đưa lại phương án kinh doanh vào trong điều kiện KDVT. Cả thế giới không quốc gia nào bỏ phương án kinh doanh cả. Tất cả muốn KDVT là phải có đầy đủ hồ sơ, như phải có phương án, kinh doanh ở đâu... Chúng ta lại đang gỡ bỏ, tôi e rằng rồi sau lại phải sửa.
Bản chất tại sao lại phải quy định điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh? Vì liên quan quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn tính mạng của người dân. Phải lấy lợi ích của dân làm tôn chỉ mục đích.
Tại Pháp, có cuốn sách "Cách mạng Blockchain" từ năm 2015, đã nói Uber không còn là xe cá nhân (kinh tế chia sẻ) mà là công ty vận tải ngược... Tôi đề nghị xe kinh doanh nội bộ gì mà hễ cứ sinh lời là quản lý như KDVT. Nếu không, tất cả những gì của nội bộ chuyển qua sở hữu DN xây dựng và nói đây là nội bộ của DN đó thì chúng ta không có cách nào quản, kiểu "thả gà ra đuổi".
Cá nhân tôi đề nghị (định danh) xe dưới 9 chỗ là taxi. Vướng mắc hiện nay là, nếu gọi như thế, hộ gia đình phải chuyển đổi sang thành DN. Vậy thì chúng ta cho họ có thời gian chuyển đổi để chuyên nghiệp hơn. VCCI cũng đang có những bước hỗ trợ, tạo điều kiện hộ gia đình có lộ trình chuyển đổi kinh doanh hợp lý, bình đẳng.
Xe Grab nếu chỉ là kết nối thì không ai cấm. Còn Grab nếu là vận tải thì có quyền kinh doanh mọi phương thức vận tải. Thí điểm gần 4 năm rồi, có đủ cơ sở để khẳng định đấy là taxi 4.0. Loại hình này có lợi lớn cho xã hội, cho người dân. Nhưng không nên tranh cãi nữa.
Người lái xe kinh doanh vận tải, người đại diện pháp luật đơn vị kinh doanh vận tải cũng phải có hợp đồng, có chứng chỉ do cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm cấp...
Thứ trưởng Bộ GTVT LÊ ĐÌNH THỌ:
Xe hợp đồng: Có tình trạng trốn thuế
Hiện nay, hoạt động xe hợp đồng (XHĐ) khá lộn xộn. Mọi vấn đề lộn xộn của XHĐ chính là đón trả khách nơi TP. Quy định pháp luật là thế nhưng DN lợi dụng để lách luật, để chạy và mục tiêu cuối cùng là tạo nên lợi nhuận. Mà lợi nhuận một trong những cái cơ bản nhất ở đây là trốn thuế, cố gắng làm sao để kiếm thêm lợi nhuận, trốn được chút thuế; nghĩ cách để chạy như thế nào để giành được nhiều khách, doanh thu cao..., gây nên sự lộn xộn trong xã hội.
Bình luận (0)