Theo các doanh nghiệp (DN), để thúc đẩy phát triển du lịch vùng ĐBSCL và kết nối hiệu quả từ thị trường cung cấp nguồn khách chính là TP HCM, các địa phương cần tiếp tục xây dựng chính sách phát triển, liên kết theo hướng đa dạng hóa nhằm tạo sản phẩm đặc trưng riêng cho từng điểm đến.
Ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist:
Chủ động đặt hàng đối tác để có sản phẩm riêng
Saigontourist đang khai thác các tour định kỳ hằng tuần khởi hành từ TP HCM tới các tỉnh ĐBSCL như Phú Quốc; tour liên tuyến Tiền Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Châu Đốc - Hà Tiên; liên tuyến Trà Vinh - Vĩnh Long; chùm tour theo sự kiện của từng địa phương như chùm tour mùa nước nổi ở Đồng Tháp - Tràm chim Tam Nông; Sa Đéc - Long Xuyên - Cù lao Ông Hổ; chùm tour hành hương...
Đối với khách quốc tế, công ty tổ chức tour đường bộ đến khu vực ĐBSCL nằm trong các chương trình tour tham quan Việt Nam trọn gói hoặc thể hiện dưới dạng tour từng phần.
Có điều, dù khai thác hàng loạt tour khởi hành từ TP HCM đi gần khắp 13 tỉnh, thành ĐBSCL nhưng doanh thu lại tập trung chủ yếu vào Phú Quốc - Kiên Giang (chiếm 80% tổng doanh thu ở khu vực này). Cần Thơ chiếm trên 10% tổng doanh thu và khoảng 10% còn lại phân bố rải rác cho các tỉnh. Các địa phương có doanh thu không đáng kể là Long An, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng…
Hiện loại hình du lịch homestay, farmstay đang phát triển rộng khắp tại tỉnh ĐBSCL nhưng hệ thống này chỉ đáp ứng được nhu cầu của một ít đối tượng khách nhất định, chưa đáp ứng được khách đại trà - vốn là nguồn thu hiệu quả trong kinh doanh lữ hành. Cơ sở lưu trú tại các địa phương không đồng đều, dịch vụ lưu trú từ 3 sao trở lên còn thiếu nên việc liên kết sản phẩm liên tuyến của các DN lữ hành còn khó khăn. Trong khi đó, những điểm tham quan, vui chơi giải trí tại điểm đến không có sự khác biệt rõ nét, sản phẩm phục vụ du lịch bị trùng lắp, sao chép.
Để thúc đẩy du lịch vùng ĐBSCL và tăng hiệu quả liên kết, các địa phương cần tiếp tục xây dựng chính sách phát triển du lịch với định hướng liên kết phát triển du lịch theo hướng đa dạng hóa, tập trung đẩy mạnh khai thác nguồn khách nội địa và đặc biệt quan tâm phát triển sản phẩm du lịch MICE cũng như các sản phẩm du lịch phù hợp với khách đại trà.
Đối với các địa phương chưa có nhiều điều kiện phát triển điểm đến riêng có thể nghiên cứu liên kết với địa phương có địa giới gần nhau để xây dựng các chương trình tour ngắn ngày. Ví dụ Long An và Tiền Giang có thể khai thác liên tuyến tại khu vực Cần Đước - Gò Công Đông. Điểm nhấn của khu vực Cần Đước là gạo nàng thơm Chợ Đào, sản vật tiến vua từ thời Vua Minh Mạng; Gò Công Đông có bãi biển Tân Thành, nhà vườn trồng sơ ri, nhà máy sản xuất nước ép sơ ri theo công nghệ khép kín của Nhật Bản; làng nghề làm tủ thờ; kết hợp các di tích lịch sử với Lăng mộ Hoàng gia, tìm hiểu về lịch sử thân thế của các vị nhân tài Võ Tánh - một trong "Gia Định tam hùng", Trương Định - anh hùng dân tộc, Phạm Đăng Hưng - một "Đức quốc công" nổi tiếng đức độ cùng 2 bậc mẫu nghi thiên hạ: Từ Dũ và Nam Phương Hoàng hậu…
Về phía DN lữ hành, nên chủ động "đặt hàng" các đối tác du lịch tại địa phương, cùng xây dựng sản phẩm hấp dẫn, đặc trưng của mỗi nơi nhằm mang lại cho du khách những trải nghiệm phong phú mà khác biệt. Chẳng hạn, liên kết với Đồng Tháp xây dựng tour trải nghiệm mùa nước nổi, tour thưởng ngoạn làng hoa Sa Đéc, xem quýt hồng Lai Vung vào thời gian trước Tết… Những sản phẩm đặc thù sẽ có sức thu hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Doanh thu của doanh nghiệp du lịch lữ hành tập trung chủ yếu vào Phú Quốc - Kiên Giang Ảnh: Tấn Thạnh
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang:
Tạo không gian cho du khách trải nghiệm
Thời gian qua, đã có sự kết nối khá thành công, đều đặn và thường xuyên trong du lịch như vùng tam giác TP HCM - Bình Thuận - Lâm Đồng hay con đường di sản miền Trung từ Huế - Quảng Bình - Quảng Nam. Do đó, việc kết nối du lịch giữa TP HCM và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL nếu làm tốt sẽ giúp ngành du lịch ở các địa phương phát triển, khai thác thế mạnh của mình. Sự kết nối này phải 2 chiều, khi du khách từ TP HCM đi các điểm đến ở ĐBSCL rồi trở lại TP.
Trở lại câu chuyện du lịch của vùng ĐBSCL, theo tôi nhớ cũng được định vị sản phẩm cách đây 20 năm, có cả luồng tour phục vụ khách quốc tế và khách trong nước nhưng khai thác chưa thật sự sáng tạo để tận dụng thế mạnh của vùng. Cái còn thiếu là xây dựng một kiến trúc nổi bật riêng có của miền Tây, vùng sông nước; một chiến lược phát triển du lịch vùng hiệu quả…
Ví dụ, ai cũng làm homestay, phong trào rộ lên khắp nơi nhưng tạo cho du khách sự trải nghiệm, cuốn hút thì chưa có. Du lịch vùng sông nước, nghỉ ngơi trong nhà lá, nhà chòi nhưng phòng ốc phải sạch sẽ, nhà vệ sinh phải sạch, không có muỗi.
Gần đây, Đồng Tháp có sự cởi mở về tư duy, đưa ra những mô hình làm du lịch mới như lấy cây sen làm chủ đạo, là hướng đi rất hay nhưng cũng chưa thật sự hoàn chỉnh. Hay như ở Bến Tre, đến nay vẫn chủ yếu là tour trong ngày, trong khi điểm đến này hoàn toàn có thể khai thác nhiều yếu tố hấp dẫn để du khách ở lại 1-2 đêm, sáng ăn kẹo dừa, chiều uống trà mật ong và tối thưởng thức tôm càng xanh, nấm mối đặc sản… Muốn vậy phải tạo ra sản phẩm độc đáo.
Với khách quốc tế, cái họ cần khi xuống nhà vườn Bến Tre, Vĩnh Long… là thưởng thức thú vui chèo xuồng, ngắm những cô gái trong trang phục áo bà ba. Đến tối cảm nhận bữa ăn có âm nhạc… Đây mới là du lịch thật sự, tạo công ăn việc làm cho cả nông dân, nghệ nhân khi không gian văn hóa vốn đã hình thành từ xa xưa.
Với kiến trúc du lịch, đừng chạy theo resort, khách sạn mà dựa vào cái vốn có của mình để tận dụng mỹ thuật, sáng tạo. Thiết kế ngôi nhà làm homestay bên ngoài nhà lá nhưng bước vào vẫn là không gian sang trọng, tinh tế và sạch sẽ…
Lúc này, nếu kết nối thành công và nâng tầm sẽ giải quyết nhiều bài toán của ngành du lịch vùng sông nước miền Tây. Nếu thay đổi góc nhìn, cách làm, nơi này sẽ có tiềm năng du lịch vô cùng to lớn.
Đối mặt nhiều thách thức
Theo các chuyên gia, ĐBSCL hiện đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn châu thổ, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng. Đặc biệt, nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch còn yếu ở một số địa phương do chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp... đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ du khách.
Bình luận (0)