Cuộc thi viết đặc biệt này do Ban Dân vận cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM phối hợp tổ chức. Cuộc thi khởi động từ đầu tháng 7 và kết thúc nhận bài thi vào cuối tháng 10-2021. Sáng 11-2, lễ trao giải cuộc thi viết "Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19" đã được tổ chức trang trọng.
Dấn thân, không ngại nguy hiểm
Tổng kết cuộc thi, bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP HCM, cho biết chỉ trong một thời gian ngắn phát động, Ban Tổ chức đã nhận gần 4.498 bài dự thi gửi về từ hơn 1.000 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, phóng viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân thành phố.
Các tác phẩm dự thi đều thể hiện các tiêu chí mà Ban Tổ chức đề ra là giới thiệu, nhân rộng gương tập thể, cá nhân và điển hình là những nhân vật và mẩu chuyện có thật, cảm xúc thật, những việc làm, hành động, nghĩa cử cao đẹp... diễn ra trong quá trình cả thành phố gồng mình chống dịch.
"Các tác phẩm báo chí không chỉ phản ánh kịp thời tình hình dịch bệnh, chủ trương, chính sách của Nhà nước và của thành phố về công tác phòng chống dịch mà còn cho thấy sự dấn thân, không quản gian khổ, hy sinh, sẵn sàng có mặt tại những điểm nóng, tại những "ổ dịch", các khu phong tỏa, cách ly… để thuật lại những câu chuyện đầy nhân văn, bắt kịp từng khoảnh khắc để có những bức ảnh sống động, những thước phim giàu cảm xúc..." - bà Nguyễn Thị Bạch Mai nhấn mạnh.
Các tác phẩm dự thi cũng kịp thời phản ánh, biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong hoạt động phòng chống dịch và chăm lo an sinh đến người dân của Đảng bộ, chính quyền, đội ngũ y - bác sĩ, lực lượng vũ trang… Nhiều sáng kiến, cách làm hay trong các hoạt động phòng chống dịch, lan tỏa những câu chuyện nhân văn, những hình ảnh cảm động, khơi gợi mạnh mẽ truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam cũng như của người dân TP HCM.
Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ trao giải cuộc thi, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, cho rằng cuộc thi viết "Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19" với nhiều bài viết, tác phẩm báo chí nổi bật đã khắc họa rõ nét câu chuyện tình người, truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc, nghĩa tình của người dân TP HCM.
"Mỗi tác phẩm là sự dấn thân, không ngại nguy hiểm của mỗi tác giả. Chính sự lan tỏa các tác phẩm trên báo chí, trên mạng xã hội đã kịp thời động viên, cổ vũ tinh thần của nhân dân, góp phần kiểm soát và từng bước đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới" - ông Nguyễn Hồ Hải phát biểu.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân (giữa) chúc mừng các phóng viên của báo đoạt giải Ảnh: TẤN THẠNH
Lan tỏa "vắc-xin tinh thần"
Xúc động sau khi xem những thước phim ghi lại quá trình tác nghiệp của các cơ quan báo chí trong mùa dịch, ông Nguyễn Hồ Hải bày tỏ: "Đi qua năm 2021 và đặc biệt sau hơn 160 ngày đêm căng mình chống dịch với nhiều thách thức khốc liệt và nhiều mất mát nhưng với nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố, cùng với sự chi viện của trung ương và các địa phương, đồng bào trong và ngoài nước, TP HCM đã từng bước vượt qua khó khăn, từng bước kiểm soát được dịch bệnh. Bên cạnh việc tập trung cứu chữa bệnh, chăm lo đời sống người dân thì "vắc-xin tinh thần" cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19".
Ông Nguyễn Hồ Hải cho rằng những bài viết gửi dự thi chính là những trang nhật ký của thành phố trong những ngày chống dịch, như những nét bút khắc họa bức tranh sinh động về tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, nghĩa cử cao đẹp, sự cống hiến của lực lượng tuyến đầu... Mỗi bài viết là một góc nhìn, là sự trải nghiệm của người trong cuộc. Cuộc thi đã cho người đọc cái nhìn bao quát về công tác phòng chống dịch Covid-19, những tháng ngày được đánh giá là "chưa từng có tiền lệ ở TP HCM".
Ghi nhận những đóng góp to lớn của các cơ quan báo chí TP HCM và Trung ương trong quá trình phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Hồ Hải mong muốn các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cách mạng ngày càng có nhiều đóng góp thiết thực hơn nữa, lan tỏa nhiều hơn nữa tinh thần tương thân tương ái, tích cực đấu tranh xóa bỏ những biểu hiện tiêu cực để xây dựng TP HCM ngày càng tốt đẹp hơn.
Theo Ban Tổ chức, Ban Tổ chức đã thiết kế 2 bảng thi, bảng thứ nhất dành cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân thành phố; bảng thứ hai dành cho các cơ quan báo chí, có 166 tác phẩm của 23 cơ quan báo chí TP HCM và trung ương, địa phương đóng trên địa bàn thành phố gửi dự thi theo 5 nhóm gồm: tin-ảnh báo chí; phóng sự, ký báo chí; phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh; công trình tập thể và giải thưởng nhân vật.
Báo Người Lao Động đoạt 4 giải thưởng
Trong đợt tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, Báo Người Lao Động đã đăng hơn 6.000 tin, bài. Theo yêu cầu của Ban Tổ chức cuộc thi viết "Tình người nơi tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19", Báo Người Lao Động đã gửi dự thi 5 tác phẩm, 4 tác phẩm trong số này đã đoạt giải.
Cụ thể, tác phẩm "Chuyện đẹp "bầu bí thương nhau" của nhóm tác giả: Hoàng Phúc, Đình Thi, Cao Nguyên, Trần Thường, Đức Nghĩa, Quang Tám, Vĩnh Gia, Bích Vân, Tâm Minh, Ca Linh, Yến Anh và Ý Linh đoạt giải nhì nhóm Phóng sự, ký sự báo chí.
Tác phẩm "Vào điểm nóng Covid-19" của các tác giả: Giang Nam, Lê Phong, Anh Thư, Thu Hồng và Hải Yến đoạt giải nhì nhóm Phóng sự, ký sự báo chí.
Tác phẩm "Đa dạng cách hỗ trợ trong đại dịch" của nhóm tác giả: Sỹ Hưng, Trường Hoàng, Di Lâm, Thu Hồng, Xuân Hoàng, Nguyễn Tuấn, Bích Ngọc, Thành Đồng, Ý Linh và Phan Anh đoạt giải nhì nhóm Phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh.
Nhóm Tin - ảnh báo chí, Báo Người Lao Động đoạt giải khuyến khích với tác phẩm "Ấm lòng những chuyến xe nghĩa tình đi vào tâm dịch" của tác giả Huế Xuân.
Bình luận (0)