Từ những ngày đầu tháng 6, quận Tân Phú, TP HCM đã có 18 "Gian hàng 0 đồng", là những "điểm hẹn nghĩa tình" quen thuộc của người gặp khó khăn trên địa bàn.
Vừa no bụng vừa ấm lòng
Mỗi sáng sớm, "Gian hàng 0 đồng" tại trụ sở khu phố 5, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, những tình nguyện viên là thanh niên, phụ nữ, hội viên hội chữ thập đỏ, hội cựu chiến binh... lại tất bật chuẩn bị nhu yếu phẩm phục vụ người dân.
Gian hàng được trang trí khá nổi bật, giúp người dân dễ dàng tìm được. Đặc biệt, trên những kệ hàng đầy ắp của "Gian hàng nghĩa tình" ngoài gạo, sữa, mì gói, dầu ăn, nước mắm..., còn có rau, củ quả cùng thịt, cá tươi.
Nhận được thực phẩm hỗ trợ, chị Kim Anh (công nhân, ngụ phường Tân Sơn Nhì) cảm kích nói: "Dịch Covid-19 bùng phát, thu nhập eo hẹp, nhờ các cấp chăm lo, bữa cơm gia đình tôi vẫn bảo đảm dinh dưỡng với rau củ, thịt, cá tươi vừa no bụng vừa ấm lòng. Dịch bệnh rồi sẽ qua nhưng tình người thì còn mãi".
Bà Đặng Thị Hồng Vân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Tân Phú, cho biết mô hình này do Ủy ban MTTQ phường Tân Sơn Nhì phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn chung tay thực hiện. Nhờ đó, nhiều người lao động nghèo được cải thiện bữa ăn giữa lúc khó khăn do dịch bệnh. Thấy được hiệu quả thiết thực từ "Gian hàng 0 đồng", nhiều nhà hảo tâm đã nhiệt tình góp sức duy trì mô hình này.
Đến "Gian hàng 0 đồng", mỗi gia đình sẽ được phát 1 quyển sổ ghi chú và nhận hàng theo số ngày lẻ (thứ ba, năm, bảy) hoặc chẵn (thứ hai, tư, sáu) theo sắp xếp của ban tổ chức để hạn chế tập trung đông người, bảo đảm quy định về chống dịch. Đối với người già, người gặp khó khăn khi đi lại, những gia đình đang cách ly, các tình nguyện viên sẽ mang nhu yếu phẩm đến tận nhà.
Tiếp tục lan tỏa yêu thương trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 7-7, Ban Chỉ huy Quân sự quận Tân Phú phối hợp Ủy ban MTTQ quận cùng nhiều đoàn thể chính trị - xã hội của địa phương tổ chức xe "Phiên chợ 0 đồng" lưu động, đem 500 phần thực phẩm miễn phí giao tận tay những người gặp khó khăn trên địa bàn. Mỗi phần thực phẩm trị giá 300.000 đồng gồm: gạo, trứng, mì gói, nước mắm, dầu ăn...
Một góc “Gian hàng nghĩa tình” tại phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP HCMẢnh: Ý Linh
Năng động, sáng tạo nhiều cách làm
Còn tại quận 3, TP HCM, bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận 3, cho biết quận có 12 phường, chia làm 2 cụm (6 phường/cụm), 1 cụm đi siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu, cụm còn lại đi siêu thị Co.opmart Nhiêu Lộc. Việc phân bổ phiếu mua hàng cũng theo ngày và giờ để tránh tập trung đông người. Cụ thể, phường số lẻ (1, 3, 5...) đi siêu thị ngày lẻ, phường số chẵn (2, 4, 6...) đi ngày chẵn, mỗi phường đi một khung giờ riêng. Các siêu thị có đường xếp hàng vào và làn tính tiền riêng.
UBND quận 3 cũng tuyên truyền, hướng dẫn người dân đặt hàng online ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi; cài đặt ứng dụng mua hàng, kết nối các cửa hàng tiện lợi cung cấp nhu yếu phẩm. Người dân khi đến cửa hàng sẽ được phát phiếu ghi lại món hàng cần mua, cửa hàng sẽ soạn và hẹn giờ. Bên cạnh đó, kết nối với Sở Công Thương triển khai bán hàng lưu động các mặt hàng thiết yếu bình ổn giá ở các khu dân cư. Mỗi phường chọn 1-2 điểm rộng rãi, thoáng mát để người dân không cần đến siêu thị.
Ở các khu vực bị phong tỏa, quận 3 triển khai lực lượng đoàn thể đi siêu thị giúp dân. Người dân chỉ cần gọi điện, nói món hàng cần mua sẽ được mua và chuyển về tận nhà.
Nhằm hỗ trợ người dân thực hiện tốt Chỉ thị 16, Quận Đoàn quận 1 đã triển khai đội hình "Thanh niên tình nguyện đi chợ", bắt đầu hoạt động từ ngày 9 đến 24-7, từ 8 giờ đến 17 giờ hằng ngày. UBND quận 1 cũng đã phối hợp với Quận Đoàn quận 1 triển khai thực hiện chuyển hóa ứng dụng GOBUS (một trong những giải pháp đô thị thông minh của quận 1), cung cấp bản đồ dịch tễ (các địa điểm phong tỏa, khách sạn cách ly), hỗ trợ chỉ dẫn đường tránh các khu phong tỏa này. Đồng thời cung cấp các địa điểm bán hàng nhu yếu phẩm, lương thực - thực phẩm trên địa bàn quận 1 (địa chỉ, thông tin danh mục bán hàng, trang web...).
Bình luận (0)