Huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An vào những giai đoạn cao điểm có tới hàng trăm điểm khai thác đá, quặng. Tuy nhiên, hiện nay, do chi phí sản xuất cao, đầu ra gặp khó khăn nên hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa mỏ, ngừng hoạt động nhưng không phục hồi môi trường.
Hệ quả, tại các xã Châu Quang, Châu Lộc, Châu Thành, Châu Hồng..., đồi núi bị cày xới tan hoang, nham nhở. Báo động nhất là một số mỏ khai thác đá hết hạn, ngừng hoạt động dẫn đến tình trạng các ngọn núi bị đục khoét gần hết phần chân, các khối đá lớn có nguy cơ đổ sập xuống phía dưới đe dọa sự an toàn của người dân. Chị Vi Thị Hoa, ngụ xã Châu Quang, cho biết: "Họ ngừng hoạt động rồi nhưng mỗi lần đi qua khu vực có mỏ đá, tôi vẫn cứ sợ. Nhiều tảng đá lớn ở trên núi không biết lăn xuống lúc nào".
Tại xã Tri Lễ, huyện miền núi Quế Phong, tỉnh Nghệ An, trước đây có 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác quặng sắt gồm: Công ty TNHH Xây lắp tổng hợp miền Trung, Công ty CP Lâm Lệ Phong, Công ty CP Đầu tư xây dựng - Phát triển nông thôn 171 và Công ty TNHH Ngọc Sáng. Đến nay, các doanh nghiệp này đã dừng hoạt động, để lại hàng loạt hầm - hố sâu hoắm và những núi bùn thải, đất thải. Nguy hiểm nhất là các mỏ đều ở trên núi cao, do không thực hiện công tác hoàn thổ nên trở thành các "túi nước" đe dọa sự an toàn của người dân khi xảy ra mưa, lũ. Ông Vi Văn Nam, ngụ xã Tri Lễ, lo lắng: "Nơi thì họ đào thành hố sâu hoắm, nơi thì đất đá chất cao. Lo nhất là những hôm trời mưa to, nước - đất đá phía trên tràn xuống có thể cuốn trôi mọi thứ".
Nhiều mỏ ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An chưa được cải tạo phục hồi môi trường
Ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An có 8 mỏ khoáng sản thì 6 mỏ đã hết phép. Sau khi ngừng hoạt động, hầu hết các doanh nghiệp đã không thực hiện công tác phục hồi môi trường. Điển hình là các mỏ đất ở xã Diễn Đoài, sau khi doanh nghiệp rút đi để lại cả "bãi chiến trường" nham nhở với hàng loạt hố sâu, gây nguy hiểm cho người và gia súc sống quanh khu vực.
Tại một số địa phương khác của tỉnh Nghệ An như các huyện Tương Dương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn..., tình trạng doanh nghiệp "quên" hoàn thổ, phục hồi môi trường cũng diễn ra khá phổ biến.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, địa phương này có trên 140 mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác hoặc ngừng hoạt động, cần phải thực hiện các thủ tục đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Thế nhưng, hầu hết các chủ mỏ sau khi dừng hoạt động đều "quên" nghĩa vụ phục hồi môi trường.
Ông Nguyễn Quốc Lâm, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quế Phong, cho biết: "Khi khai thác, doanh nghiệp đào cả quả núi, giờ họ ngừng hoạt động với ít tiền ký quỹ để lại thì không thể phục hồi môi trường như ban đầu. Giải pháp trước mắt mà huyện có thể làm là xử lý những điểm nào quá nguy hiểm, có nguy cơ sập, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân".
Trong khi đó, ông Lê Sỹ Hào, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp, khẳng định trên địa bàn, một số doanh nghiệp thực hiện chưa tốt việc phục hồi môi trường. Đoàn kiểm tra của huyện, tỉnh đã làm việc với một số doanh nghiệp và yêu cầu phải thực hiện đúng như cam kết. Đơn vị nào không chịu thực hiện, nếu có nhu cầu xin phép cấp mỏ lại thì tỉnh sẽ không đồng ý.
Chây ì, không ký quỹ
Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã kiểm tra, xử phạt hàng loạt doanh nghiệp khai thác khoáng sản không phục hồi môi trường. Ngoài ra, tỉnh còn thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường. Tuy nhiên, tính tới tháng 4-2017, vẫn còn 33 tổ chức/34 điểm mỏ chây ì, không thực hiện ký quỹ.
Bình luận (0)