Bạn đọc CHUNG THANH HUY: Tăng cường trách nhiệm và công tác tuyên truyền
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bạo hành trẻ em, như: sự dồn nén tâm lý; cha mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, cờ bạc, dùng chất kích thích; áp lực trong cuộc sống, khó khăn về kinh tế…
Đó còn là quan niệm "thương cho roi cho vọt" của không ít người làm cha mẹ. Không chỉ đánh trẻ do thói quen, nhiều cha mẹ đánh trẻ vì cảm thấy bất lực, không biết cách dạy bảo con. Cá biệt, có những kẻ đánh đập, hành hạ trẻ em chỉ để cảm thấy mình là kẻ mạnh.
Ngoài ra, quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em còn lỏng lẻo, thiếu các chế tài đủ sức răn đe; việc quản lý nhà nước của cơ quan chức năng liên quan chưa được thực hiện nghiêm túc, triệt để nên không phát hiện, ngăn chặn kịp thời vụ bạo hành trẻ em.
Có rất nhiều cơ quan làm công tác bảo vệ trẻ em nhưng sự kết nối, phối hợp lại chưa chặt chẽ, nên có lúc dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc" và cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi vụ việc bị phát hiện, dư luận lên tiếng.
Trần Văn Khởi (SN 1995, ngụ huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) bị bắt giam vì hành hạ dã man khiến bé gái 3 tuổi (con riêng của vợ Khởi) tử vong trong tháng 12-2021. Ảnh: VŨ NHƯ
Trẻ bị bạo hành không chỉ là nỗi đau của gia đình mà đó còn là nỗi đau của toàn xã hội. Vì vậy, bên cạnh việc nghiêm trị kẻ bạo hành để răn đe, cần nhanh chóng tìm giải pháp phòng ngừa.
Hiệu quả nhất chính là tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước cũng như chế tài đối với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục khi có vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra; tuyên truyền giáo dục về quyền trẻ em, cách bảo vệ trẻ em đến từng khu phố, từng gia đình để làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ cũng như tố giác tội phạm.
Bạn đọc NGUYỄN NGỌC: Cẩn thận với đòn roi trong giáo dục trẻ
Đòn roi trong giáo dục là câu chuyện không mới và bao giờ cũng khơi lên những tranh luận trái chiều về phương pháp dạy dỗ. Từ xưa đến nay, nhiều người Việt vẫn dùng roi uốn nắn một đứa trẻ chưa ngoan.
Nhiều người trưởng thành hôm nay nhìn lại hành trình khôn lớn của mình và bảo nhờ đòn roi của bố mẹ mà trưởng thành, nhờ sự nghiêm khắc của bố mẹ mà chững chạc.
Thế nhưng, hãy thử ngẫm lại những lúc cây roi của bố mẹ quất vào da thịt, sự đớn đau của thể xác và sự tổn thương tâm hồn lớn thế nào trong lòng trẻ con. Đó là chưa kể nhiều ông bố, bà mẹ đâu chỉ đánh một vài roi để con biết sợ, biết sai và sửa sai.
Có khá nhiều người đến tận lúc trưởng thành vẫn in hằn những vết thương lòng khó phai về trận đòn như dành cho "kẻ thù" trong quá khứ. Rồi có người lại đi vào vết xe đổ của bố mẹ, dùng roi vọt dạy con, lớn tiếng nạt nộ con và biện minh bằng bài học cũ "thương cho roi cho vọt".
Đó là những mảnh ghép buồn ngày cũ, khi quyền trẻ em chưa được nhận thức nhiều và tiếng nói của cộng đồng chưa đủ sức can thiệp vào phương pháp giáo dục con cái của mỗi gia đình.
Tuy nhiên, câu chuyện thương tâm hôm nay diễn ra trong một bối cảnh khác. Một bé con giã từ cõi đời đầy tức tưởi và bé còn lại đang nguy kịch, tiên lượng rất xấu trong bối cảnh chúng ta có một hành lang pháp lý khá vững chắc để bảo vệ trẻ em.
Đã đến lúc chúng ta - những người lớn đủ lương tri và trách nhiệm - nhìn nhận lại về phương pháp giáo dục trẻ. Cẩn trọng với đòn roi trong giáo dục, vá ngay lỗ hổng trách nhiệm để không còn bất kỳ đứa trẻ nào phải chằng chịt vết thương trên cơ thể hoặc mất mạng như thế.
Bạn đọc NGUYỄN NGỌC DIỄM: Gia đình hạnh phúc sẽ ngăn được bạo lực
Hiện đã có đầy đủ quy định pháp luật về quyền trẻ em, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng như đường dây nóng…Dù vậy, phải nhìn nhận là các cơ chế hoạt động vẫn chưa thực tế và kém hiệu quả.
Từ nhiều năm nay, xã hội đã xem nhẹ vấn đề giáo dục gia đình, thiếu hỗ trợ các bậc cha mẹ kỹ năng, kiến thức chăm sóc con em và bảo vệ trẻ.
Tiếp đến, ngành giáo dục chạy theo điểm số, thành tích hơn là trang bị cho học sinh kỹ năng sống cần thiết. Mạng lưới đội ngũ cán bộ công tác xã hội tại cộng đồng làm nhiệm vụ tư vấn, phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn sớm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em cũng chưa phát huy hết trách nhiệm.
Để phòng ngừa các vụ bạo hành trẻ em, phải sớm khắc phục những vấn đề trên. Ngoài ra, tăng cường siết chặt quản lý nhà nước về kiểm soát chất gây nghiện, rượu bia, văn hóa phẩm độc hại…
Đặc biệt, phải làm sao để khôi phục truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam, xây dựng gia phong, gia đạo, nề nếp, ông bà, cha mẹ nêu gương, con cháu thảo hiền. Bởi thành trì ngăn chặn bạo lực gia đình hiệu quả nhất chính là gìn giữ mái ấm bền vững, hạnh phúc.
Dạy trẻ cách tự bảo vệ
Gần đây, nhiều vụ án bạo hành trẻ em mà đối tượng là người có quan hệ tình cảm, chung sống với cha hoặc mẹ. Điều này chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại: an toàn của trẻ sau đổ vỡ gia đình.
Tình trạng bạo lực đối với trẻ em là vấn đề khó xử lý dứt điểm, cũng khó phòng ngừa ngay từ đầu, từ xa. Vì vậy, bên cạnh công cụ quản lý nhà nước, hành động hiệu quả nhất vẫn là nỗ lực chung tay của cả cộng đồng; đặc biệt là khâu tuyên truyền, giáo dục từ các môi trường gắn liền với phụ nữ và trẻ em gái (trường học, gia đình, xã hội).
Cùng đó, chính bản thân trẻ em cũng cần được tiếp nhận kiến thức liên quan đến phòng tránh bạo lực. Gia đình nên chủ động dạy con cách bảo vệ bản thân, cần giải thích cho trẻ hiểu trẻ không đơn độc, dù sợ hãi nhưng phải bình tĩnh, xử lý tình huống theo cách tố cáo kẻ gây ra hành vi bạo hành.
Ngoài ra, phụ huynh nên đăng ký cho trẻ tham gia các khóa học của những tổ chức uy tín để trang bị thêm kỹ năng sống, cách tự bảo vệ bản thân.
ThS văn hóa học Nguyễn Thành Luân
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-1
Bình luận (0)