Sau nhiều lần khiếu nại UBND huyện Bình Chánh, TP HCM về việc bồi thường phần đất trong diện giải tỏa theo dự án mở đường và nhiều lần làm việc với cơ quan chức năng, gia đình ông Nguyễn Văn Cây (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM) chỉ mới nhận được thông báo tiến độ giải quyết vụ việc của Thanh tra huyện Bình Chánh.
Vất vả khiếu nại
Theo đó, thanh tra huyện kiến nghị chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan tham mưu xử lý. "Tính đến nay, đó là thông báo có giá trị nhất mà gia đình tôi nhận được" - ông Cây buồn bã cho biết.
Tương tự, từ năm 1992, ông Lê Văn Hạnh (ngụ quận 5, TP HCM) liên tục khiếu nại về việc bồi thường khu đất 7,5 ha (phường An Khánh, quận 2, TP HCM) do gia đình ông sở hữu. Bảy năm sau, UBND quận 2 mới có quyết định bác đơn khiếu nại. Ông Hạnh bền bỉ "theo" chính quyền đến tận hôm nay với mong muốn nhận đền bù thỏa đáng. Mới đây, UBND TP đã giao Thanh tra TP xác minh vụ việc.
Tương đối thuận lợi hơn so với 2 trường hợp nêu trên và nhiều trường hợp khiếu nại bồi thường đất, dù tốn thời gian, công sức, chi phí nhưng ông Ngô Ngọc Mẩn (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM) đã nhận về khoản bồi thường hợp lý.
Năm 2015, UBND huyện Nhà Bè thu hồi gần 1.500 m2 đất, bồi thường cho gia đình ông Mẩn hơn 4,3 tỉ đồng nhưng không bồi thường 300 m2 đất ở. Không đồng ý, ông Mẩn khiếu nại.
Ngày 20-4-2016, chủ tịch UBND huyện Nhà Bè có thông báo không công nhận nội dung khiếu nại yêu cầu bồi thường phần diện tích đất ở và bố trí nền tái định cư của ông Mẩn. Không nản lòng, ông Mẩn tiếp tục khiếu nại lên UBND TP HCM. Khoảng 4 tháng sau, UBND huyện Nhà Bè lại ra quyết định điều chỉnh tiền bồi thường giảm từ hơn 4,3 tỉ đồng xuống còn hơn 4,2 tỉ đồng.
Qua nhiều lần xác minh, đối thoại, mãi đến ngày 8-5-2018, Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Cách Mạng ký văn bản bác gần hết nội dung trong quyết định thu hồi, bồi thường, giải quyết khiếu nại do UBND huyện Nhà Bè ban hành và thực thi. Cụ thể, UBND TP công nhận nội dung ông Mẩn khiếu nại, giao chủ tịch UBND huyện Nhà Bè bồi thường, hỗ trợ bổ sung phần đất ở đã thu hồi theo đúng quy định. Một tháng sau khi có chỉ đạo, ông Mẩn nhận thêm hơn 920 triệu đồng.
Người có thẩm quyền quá chậm trễ trong xử lý là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại vượt cấp. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Phải kiên nhẫn!
Quy định về giải quyết khiếu nại nêu rõ: Nhận đơn, người có thẩm quyền phải ban hành thông báo thụ lý giải quyết trong vòng 10 ngày; mời đối thoại trong vòng 30 ngày. Đối với những trường hợp cần xác minh, thu thập tài liệu thì thời hạn không quá 60 ngày. Nếu quá hạn, người dân có quyền khiếu lại lần 2 lên cấp trên, khởi kiện ra tòa.
Tuy nhiên, không mấy vụ việc, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai, người dân nhận kết quả mà không phải khiếu nại lần 2. Những vụ việc trên là những dẫn chứng điển hình. Người có thẩm quyền quá chậm trễ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại vượt cấp. Nói cách khác, khâu xử lý đầu tiên đóng vai trò quan trọng.
Luật sư (LS) Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn LS TP HCM) lưu ý người dân cần tuân thủ tuyệt đối quy định pháp luật trong quá trình giải quyết khiếu nại. Như vậy, người dân sẽ có điều kiện thuận lợi khi đối chất, phản biện cơ quan chức năng.
"Hiện nhiều trường hợp lấn cấn khiếu nại liên quan đến số tiền bồi thường nên không dám nhận tiền bồi thường khi chưa có kết quả khiếu nại. Họ lo lắng nhận tiền sẽ mất luôn đất và không được giải quyết những nội dung khác. Thực ra, không phải như vậy. Người dân cứ mạnh dạn nhận trước phần tiền bồi thường hợp lý. Cơ quan chức năng có trách nhiệm giải quyết thỏa đáng những vấn đề còn lại. Nếu khiếu nại hợp lý, người dân vẫn có thể được nhận thêm khoản bồi thường khác" - LS Ý nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo LS Ý, người dân có quyền khởi kiện ra tòa trong thời hạn 1 năm kể từ ngày biết hoặc nhận quyết định theo Luật Tố tụng Hành chính. Trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền trả lời khiếu nại hoặc xét xử, chủ sở hữu hợp pháp đất và tài sản gắn liền với đất có trách nhiệm bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án như quy hoạch sẵn có.
LS Lê Ngọc Luân (Đoàn LS TP HCM) cho rằng dù không có thẩm quyền trực tiếp giải quyết nhưng cơ quan nhận đơn người dân gửi vượt cấp có trách nhiệm chỉ đạo, đốc thúc, bày tỏ quan điểm về vụ việc.
Bình luận (0)