Vì sao phân bón giả, kém chất lượng lại có cơ hội tồn tại trong nhiều năm qua?
Đó là do những người sản xuất phân bón giả đánh vào tâm lý hám lợi của các đại lý phân phối nhỏ và nông dân canh tác nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa (con số này không hề nhỏ). Họ sử dụng những mánh lới như bán giá rẻ, bán thiếu tới cuối vụ, khuyến mãi với nhiều hình thức, tặng quà, du lịch… Thậm chí lợi dụng cả chủ trương "liên kết 4 nhà", đưa cả chính quyền địa phương từ huyện tới xã, hội nông dân... tổ chức hội thảo rầm rộ quảng bá "phân bón giả" một cách công khai. Nông dân sử dụng nhầm phân bón giả, kém chất lượng phải gánh chịu thiệt hại, có khi mất trắng cả một mùa vụ. Đất đai ngày càng bị hoang hóa, sụt giảm năng suất và khó xuất khẩu sản phẩm.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương gần đây, bình quân mỗi năm phát hiện, xử lý hàng ngàn vụ phân bón giả, kém chất lượng. Hằng năm, cục kiểm tra hàng ngàn hộ kinh doanh phân bón thì có hàng trăm hộ vi phạm (khoảng 42%). Kiểm nghiệm hàng ngàn mẫu phân bón thì có hàng trăm mẫu (khoảng 31%) không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Địa phương tôi từng có nhiều cuộc hội thảo tập huấn cho nông dân nhận biết phân bón giả, kém chất lượng nhưng thực tế không mang lại hiệu quả thiết thực vì nông dân hầu như không có trình độ khoa học kỹ thuật chuyên môn, các trang thiết bị kiểm nghiệm cũng không có nên họ làm công việc này như mò kim đáy biển. Đến khi đem tiền ném xuống ruộng xong, ngồi chờ kết quả từ 2-3 tháng, mới phát hiện phân bón giả thì đã muộn.
Thiết nghĩ, ngoài siết chặt việc sản xuất, xử phạt nặng các cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng để răn đe, hai ngành công thương và nông nghiệp cần tích cực phối hợp, lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành các cấp, thường xuyên thanh - kiểm tra từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn nhỏ cho tới các đại lý nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa mới có thể hạn chế thấp nhất hiện tượng phân bón giả, kém chất lượng, bảo vệ công sức và thành quả lao động cho nông dân.
Bình luận (0)