xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khởi tố vụ án cô giáo "chỉ đạo" tát học sinh: Cần cái nhìn tổng thể

PHẠM DŨNG

Hành vi của cô giáo "chỉ đạo" học sinh tát bạn hàng trăm cái ở Quảng Bình là không thể chấp nhận. Tuy nhiên, việc cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình khởi tố vụ án cũng gây nhiều tranh cãi

Những ngày qua, thông tin về cô Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên (GV) Trường THCS Duy Ninh (tỉnh Quảng Bình), yêu cầu tất cả học sinh (HS) trong lớp tát liên tiếp vào má một HS khiến em phải nhập viện đã gây nên làn sóng phẫn nộ. Và, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án "Hành hạ người khác". Rất nhiều ý kiến đồng tình với hình thức xử lý này, yêu cầu xử lý nghiêm để răn đe nhưng cũng có những quan điểm cho rằng cần xem xét tổng thể sự việc.

Gốc vấn đề là bệnh thành tích

Nói về việc khởi tố vụ án, luật sư (LS) Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng hành vi của cô giáo là không thể chấp nhận, hoàn toàn phản giáo dục, trái quy tắc đạo đức GV, không những đi ngược giá trị cao quý của nghề giáo mà còn là hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em.

Tuy nhiên, việc khởi tố vụ án hình sự hành vi trên với tội danh "Hành hạ người khác" theo quy định tại điều 140 Bộ Luật Hình sự 2015 lại là một hình phạt quá nặng. "Một phần nguyên nhân của sự việc xuất phát từ áp lực thành tích của trường. Lớp của cô Thủy không có thành tích tốt cả về học tập lẫn thi đua, trường lại có quy định HS lớp nào bị phát hiện nói tục thì lớp sẽ bị trừ điểm thi đua. Bản thân GV vốn đã chịu quá nhiều áp lực: tiền lương, tiền phụ cấp không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống buộc họ phải phân phối thời gian làm thêm những công việc khác; căn bệnh thành tích từ nhà trường, các cấp quản lý buộc GV phải có cách quản lý lớp để không bị trừ điểm thi đua.

 Áp lực từ cơ chế quản lý và hệ thống thi đua của nhà trường, căng thẳng dồn nén nên trong lúc nóng giận, cô giáo đã áp dụng hình thức răn đe, xử phạt phản giáo dục và không thể chấp nhận được. Chưa kể, cô Thủy là GV mới chuyển đến nên việc thi đua là rất quan trọng trong tâm niệm của cô" - LS Toàn phân tích.

Cũng theo LS Toàn, quy định tại điều 140 Bộ Luật Hình sự thì người bị khởi tố về hành vi này là người đã "đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình". Trong trường hợp này, chỉ nên áp dụng những biện pháp xử phạt phù hợp của ngành giáo dục như đình chỉ công tác, buộc thôi việc. Hình sự hóa hành vi của cô giáo là biện pháp xử lý quá nặng, quá khắc nghiệt, không phù hợp và cũng không giải quyết tận gốc được căn nguyên vấn đề là bệnh thành tích của nhà trường.

Khởi tố vụ án cô giáo chỉ đạo tát học sinh: Cần cái nhìn tổng thể - Ảnh 1.

Trường THCS Duy Ninh, nơi xảy ra sự việcẢnh: Hoàng Phúc

Môi trường giáo dục cần mềm dẻo trong xử lý

"Hành vi này đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em, một quyền thiêng liêng mà pháp luật bảo vệ. Điều 27 Luật Trẻ em 2016 quy định "Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em" - LS Võ Đan Mạch (Đoàn LS TP HCM) nhận định.

Theo LS Mạch, về mặt hình sự, hành vi trên đã xâm phạm đến quyền được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe nên có thể xử lý nghiêm theo quy định pháp luật hình sự hiện hành. Tùy tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi, hành vi trên của cô giáo có thể đã đủ yếu tố cấu thành tội "Cố ý gây thương tích" và tội "Hành hạ người khác". Việc Công an huyện Quảng Ninh khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi của cô giáo là có cơ sở.

"Tuy nhiên, hành vi nêu trên cấu thành tội "Hành hạ người khác" theo quyết định của cơ quan công an hay còn có thể đủ yếu tố cấu thành tội "Cố ý gây thương tích" thì còn tùy thuộc vào kết quả điều tra các chứng cứ hồ sơ có trong vụ án. Dù bị khởi tố theo tội danh gì thì hành vi của cô giáo nêu trên cũng cần được xem xét đánh giá một cách toàn diện để biết được nguyên nhân dẫn đến hình phạt "kỳ lạ" này. Theo quan điểm của tôi, CQĐT nên đình chỉ vụ án, không khởi tố bị can do: Thứ nhất là có liên quan đến HS; thứ hai, môi trường giáo dục cần có sự mềm dẻo trong cách xử lý, tránh gây hệ lụy xấu và cần có sự bao dung cũng như sự chia sẻ của cộng đồng do giáo dục hiện nay còn quá nhiều tồn đọng, chưa có sự chuyển biến tích cực cho phù hợp với tốc độ phát triển của thời đại" - LS Mạch nêu quan điểm. 

Nên có một cuộc đại phẫu

Theo bạn đọc Quang Hưng, bạo lực trong học đường là không thể chấp nhận. Tuy nhiên, cần nhìn nhận ở đây là cô giáo cũng chỉ là nạn nhân của căn bệnh chạy theo thành tích được ví như là ung thư của ngành giáo dục. Vì vậy, nếu không có một cuộc "đại phẫu" thì sẽ còn nhiều trường hợp tương tự đã, đang và sẽ xảy ra.

Bạn đọc Mai Anh đề nghị trước khi khởi tố cô giáo Thủy, phải truy trách nhiệm của ngành giáo dục và những quy chế thi đua của trường xem có hợp lý hay là tạo áp lực lên giáo viên?

Trong khi đó, nhiều bạn đọc khác cho rằng GV có nhiều cách để quản lý, dạy dỗ và cả răn đe HS, việc bắt HS tát bạn chính là phương pháp phản sư phạm, không nhân văn, thậm chí quá tàn ác. "Nhân cách HS sẽ được hình thành ra sao trong môi trường bạo lực như vậy?" - bạn đọc Toàn Thắng đặt câu hỏi.

V.Thư

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo