Một nghiên cứu công bố mới đây do báo Nhật Nikkei Asia dẫn lại cho biết nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) tại TP HCM xếp vị trí 67 trong bảng xếp hạng điều kiện NVSCC ở 69 thành phố du lịch trên thế giới.
Khu vực trung tâm cũng thiếu NVSCC
Đến một số quận trung tâm ở TP HCM, có thể thấy rất khó tìm NVSCC. Khu vực Nhà thờ Đức Bà - Đường sách TP HCM - Bưu điện TP HCM (quận 1) hằng ngày đón hàng ngàn lượt khách nhưng chỉ có 1 NVSCC nhỏ, lại không dễ tìm được; khách phải trả 3.000 - 5.000 đồng/lượt.
Điểm giao của 3 tuyến đường Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân cũng là nơi tiếp nối giữa quận 1 với quận 3 có Hồ Con Rùa từ lâu là điểm đến yêu thích của nhiều người nhưng theo quan sát, không có nhà NVSCC nào. Khách phải đi một đoạn để có thể sử dụng nhà vệ sinh của Nhà Văn hóa Thanh Niên (quận 1, có thu phí) hoặc chấp nhận đi cách đó khoảng 1 km mới có NVSCC và không phải ai cũng biết được điều này.
Tương tự, Công viên Bến Bạch Đằng không có NVSCC, chỉ có thể sử dụng NVSCC ở bến tàu thủy (đối diện Công trường Mê Linh) hoặc băng qua đường để vào khu vực tầng hầm ở phố đi bộ Nguyễn Huệ...
Trao đổi với chúng tôi, ông John (du khách đến từ Mỹ) nhận xét NVSCC ở tầng hầm phố đi bộ Nguyễn Huệ khá sạch sẽ, thuận tiện và miễn phí. Thế nhưng, ở một số khu vực khác tại TP HCM, rất khó tìm được NVSCC, nếu có cũng không sạch sẽ.
Ở phố Bùi Viện (quận 1) - nơi thu hút rất đông du khách nước ngoài, để tìm NVSCC, người ta phải đi khoảng 500 m đến NVSCC trong chợ Thái Bình. Tại Công viên 23-9, Trạm xe buýt Bến Thành, Công viên Lê Văn Tám (quận 1)... có NVSCC đạt tiêu chuẩn 4-5 sao, bố trí dày hơn, được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, có nhân viên túc trực dọn dẹp, có lối đi riêng cho người khuyết tật và không tốn phí. Tuy nhiên, sau thời gian đưa vào sử dụng, một số hạng mục đã hư hỏng, chưa được sửa chữa.
Nhà vệ sinh công cộng ở tầng hầm phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCMẢnh: Anh Vũ
Cần định hướng lâu dài, quy hoạch riêng
Theo ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam - hạ tầng du lịch của Việt Nam chỉ mới bắt đầu hoàn thiện trong những năm gần đây. Bên cạnh những NVSCC đạt chuẩn, phần lớn vẫn còn nhiều nhà vệ sinh tạm, nhỏ hẹp, thiếu nước, dơ bẩn cùng nhiều bất tiện khác. Điều này ảnh hưởng chung đến sự phát triển ngành du lịch.
"Ngành du lịch đang tập trung vào việc hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ mà đa phần là có chủ quản lý. Còn tại những khu vực công cộng thì chưa được quan tâm. Không thể vì một công trình nhỏ như NVSCC mà làm ảnh hưởng đến chất lượng chung của ngành du lịch" - ông Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, cần có những định hướng lâu dài hơn; có những quy chuẩn, quỹ đất, thiết kế, quy hoạch dành riêng cho khu vực công cộng, trong đó có nhà vệ sinh. Từ những quy chuẩn này, sẽ có những NVSCC đạt chuẩn. Việc tạo sự thoải mái cho du khách trong quá trình tham quan, trải nghiệm sẽ hỗ trợ tốt hơn cho việc phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Golden Smile Travel, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch xã hội - nhận xét NVSCC tại TP HCM vừa ít về số lượng vừa kém về chất lượng. Muốn phát triển du lịch, có nhiều vấn đề cần phải xem xét, trong đó NVSCC sạch sẽ, thoải mái là yếu tố rất quan trọng.
Để cải thiện số lượng và chất lượng NVSCC tại TP HCM, theo ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, cần có sự thống nhất về chủ trương từ cơ quan lãnh đạo, đơn vị quản lý trực tiếp, đơn vị kiểm tra cho đến đơn vị sử dụng. Tại TP HCM, quỹ đất dành cho cây xanh còn nhiều, quỹ đất công cũng còn khá lớn. Trong khi đó, NVSCC không tốn quá nhiều diện tích.
"Cách tốt nhất để thực hiện là xã hội hóa. Thực tế cũng đã chứng minh, NVSCC có sự đầu tư của tư nhân luôn tốt hơn NVSCC do nhà nước thực hiện, quản lý" - ông Nguyễn Trần Hoàng Phương so sánh.
Ngoài ra, cần nâng cao ý thức sử dụng NVSCC cho người dân và du khách. Các nhà quản lý cũng cần thay đổi quan điểm về vấn đề này.
"Nếu không nâng cấp, sửa chữa, đầu tư xây mới NVSCC, khách du lịch sẽ chê khi đến với chúng ta. Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi cho du khách, nên đưa lên app du lịch các địa điểm NVSCC ở TP HCM để họ có thể dễ dàng tra cứu trên điện thoại di động" - ông Nguyễn Trần Hoàng Phương nêu giải pháp.
Xuống cấp, dơ bẩn
Ở nhiều nơi khác, nhất là ngoại thành TP HCM, NVSCC vừa thiếu vừa xuống cấp, một số nơi "cửa đóng then cài". Điển hình, tại NVSCC trên đường Lê Hồng Phong, Trần Phú, Mạc Thiên Tích, Hùng Vương (quận 5); Bà Hạt (quận 10); Hòa Bình (quận Tân Phú); Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức)..., hệ thống thiết bị cũ kỹ, bong tróc, một số nơi đọng nước, buồng tiểu, phòng vệ sinh không có vòi xịt, giấy, hệ thống nước hư…
Tại nhiều công viên lớn của TP HCM cũng không khá hơn. Khu B của Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận và Gò Vấp), NVSCC nằm ở vị trí trung tâm khá cũ kỹ, có 3 phòng dành cho nam đều hư vòi xịt, không có nắp bồn cầu và rất bẩn. Bước sang một nhà vệ sinh khác tại công viên này, nước chảy lênh láng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Tương tự, nhà vệ sinh tại Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng (quận 10) cũng cũ kỹ, bốc mùi. Thời điểm ghi nhận, một phòng đóng cửa, một phòng thì vòi xịt bị hư, nước rỉ liên tục, nắp đậy bồn cầu hư, bồn cầu bụi bẩn, rêu bám đầy…
Bình luận (0)