Trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu đối với tất cả công chức, tăng một bộ phận lớn viên chức, song chỉ tăng một bộ phận nhỏ đối với công nhân lao động và mức tăng đối với lao động nữ chỉ nên là 58 tuổi.
Đề xuất này gây nhiều băn khoăn. Có thể, tuổi nghỉ hưu ở nhiều nước trên thế giới cao hơn ở Việt Nam. Thế nhưng, tiền lương, điều kiện làm việc và chất lượng cuộc sống của họ khác xa ta. Vì vậy, điều cần làm không phải tăng tuổi nghỉ hưu mà là phải tìm cách kiểm soát và quản lý tốt BHXH, BHYT; tăng năng suất lao động; tạo điều kiện cho lao động trẻ có việc làm.
Hơn nữa, thời đại công nghệ 4.0, máy móc phần lớn đã là công nghệ số, người từ 45 - 50 tuổi làm chậm hơn các bạn trẻ rất nhiều, vậy tăng tuổi hưu có ích gì. Vì lợi nhuận, vì sự phát triển của doanh nghiệp và để cạnh tranh tốt, chủ doanh nghiệp thường chọn những lao động trẻ, khỏe để làm việc. Những lao động phổ thông sau 50 tuổi sẽ rất khó có cơ hội tìm việc làm trong các doanh nghiệp để tiếp tục đóng BHXH.
Đề xuất tăng tuổi hưu rất cần được xem xét thỏa đáng trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Xu thế xã hội hiện nay cần tính toán làm sao để tăng năng suất lao động, bằng việc áp dụng khoa học công nghệ; đồng thời giảm giờ làm, giảm tuổi nghỉ hưu để con người có thêm nhiều thời gian thụ hưởng cuộc sống, thụ hưởng những tiến bộ của khoa học và công nghệ qua đó giúp gia tăng chất lượng cuộc sống, gia tăng sức khỏe, tuổi thọ...
Bình luận (0)