Sau 4 hôm nằm viện, ngày 11-1, bé trai N.T.Đ (SN 2013) đã hồi phục khá tốt trong niềm vui mừng của gia đình cũng như các bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM).
Rách tai, đứt mũi..., thậm chí tử vong
Sáng 7-1, bé Đ. nhập viện với vết thương vùng cổ, thủng khí quản cùng vô số vết thương khác. Cách đó 4 giờ, bé phải trải qua khoảnh khắc kinh hoàng khi cố vùng thoát khỏi cuộc tấn công của 2 con chó bẹc-giê gia đình nuôi. Đ. được cấp cứu tại BV Nhi Đồng Đồng Nai, sau đó chuyển lên BV Chợ Rẫy rồi BV Nhi Đồng 1.
Ca mổ cấp cứu được tiến hành lập tức vì bé Đ. bị tràn khí khắp các bộ phận cơ thể, tính mạng vô cùng mong manh. Theo BS Nguyễn Thế Huy, Phó Khoa Tai Mũi Họng BV Nhi Đồng 1, bé Đ. đã qua cơn nguy hiểm.
Sáng 3-1, BV Nhi Đồng 1 cũng tiếp nhận bé L. bị chó cắn đứt một phần mũi và da má phải. Mẹ L. để con chơi với chú chó nhà rồi xuống bếp. Bé cầm một chiếc que chọc con chó và gặp nạn.
Các BS đã mất gần 3 giờ cấp cứu và ghép lại phần mũi, da đã rời khuôn mặt L. Tuy nhiên, do mất hơn nửa ngày đường từ Đắk Lắk xuống TP HCM nên phần bị rời hư hại nhiều, cơ hội hồi phục chỉ 50/50. BS Nguyễn Tuấn Như, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, cho biết nếu phần mũi ghép lại không sống được thì phải dùng sụn vành tai để tạo hình mũi mới.
BV Chợ Rẫy cũng mới tiếp nhận một bệnh nhi chuyển từ tỉnh Tây Ninh đến do bị chó nhà tấn công. Vì vết thương quá nặng, bé bị đa chấn thương nên đã tử vong. Theo người nhà, trong lúc chơi đùa, bé bị một con chó nuôi trong gia đình tấn công. Người thân nghe bé khóc thét phải đập chết con chó mới giằng được nạn nhân ra, đưa đi cấp cứu.
Mới đây, các BS Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cũng đã phẫu thuật thẩm mỹ vành tai cho bé trai N. (5 tuổi, ngụ TP Hà Nội) do bị chó nhà tấn công. Trong lúc đùa với con chó nhà nuôi, bé N. cưỡi lên và bất ngờ bị nó tấn công rách vành tai.
Cũng bị chó nhà tấn công đầy đau đớn, bé T. (3 tuổi; ngụ huyện Củ Chi, TP HCM) được các BS dày dạn kinh nghiệm tại BV Nhi Đồng 1 tiến hành khâu 200 mũi trong 2 giờ liên tục. Người nhà cho biết gia đình nuôi một con chó Phú Quốc được 3 năm. Con chó này cộc tính, từng cắn một người thủng tay. Khi bé T. dùng cây đập ruồi, con chó bất ngờ lao vào tấn công nên người nhà không trở tay kịp. Bé bị 19 vết rách, đứt lìa môi dưới, thủng má trái nghiêm trọng, mang tai rách ngang...
Một cháu bé bị chó bẹc-giê cắn cổ, thủng khí quản điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) Ảnh: Anh Thư
Luôn là vết thương kinh khủng
Theo chị Vi Thảo Nguyên, người sáng lập Tổ chức Yêu động vật, mỗi con chó có những vấn đề về thể chất, tâm lý riêng, chủ nuôi phải tìm hiểu thấu đáo. Cũng có những lúc tâm lý chó bị chấn động bởi tác nhân kích thích nào đó và không làm chủ được hành vi.
Vì vậy, chị Nguyên khuyên khi nuôi chó mà nhà có trẻ nhỏ, người lớn không nên để các cháu một mình. Bởi lẽ, trẻ dễ có những hành động vô thức như nắm đuôi kéo, cấu véo, giật ria, đánh... khiến con chó phản ứng tự vệ. Môi trường ồn ào, áp lực, mọi người nói cười to tiếng cũng dễ làm chó giật mình, hoảng sợ nên căng thẳng, dẫn đến những phản xạ phòng vệ. Khi dẫn chó ra khỏi nhà phải xích và rọ mõm để bảo đảm an toàn cho những người xung quanh, đồng thời tránh những quy kết ác ý từ những người không thích chó.
Theo BS Nguyễn Tuấn Như, vết thương do chó cắn luôn là những vết thương kinh khủng nhất, bởi vừa có tình trạng dập mô vừa bị thương tổn do cắn xé. Trong miệng chó có rất nhiều vi khuẩn dễ gây nhiễm trùng, trong nước bọt có những chất giúp tiêu hóa thức ăn nên làm vết thương dễ hoại tử. Nguy hiểm hơn, nhiều trẻ có chiều cao xấp xỉ con chó nên khi bị tấn công sẽ dễ thương tổn vùng mặt, cổ. Khi đó, nếu không nguy hiểm đến tính mạng thì cũng để lại những thương tật khủng khiếp, nguy cơ cao ảnh hưởng chức năng những cơ quan vùng mặt của trẻ.
Ôm ấp chó, mèo cũng dễ mắc bệnh
Theo BS Nguyễn Thế Huy, trẻ ít hiểu về tập tính của vật nuôi nên khi để trẻ chơi với chó, nhất thiết phải có cha mẹ bên cạnh. Những hình ảnh trẻ chơi với chó rất dễ thương nhưng không nên chia sẻ rộng rãi. Có bé chỉ cầm đuôi chó nghịch gặp đúng lúc nó đang ăn, thế là bị cắn rất nặng nề.
BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành Phố, cho biết ngoài nguy cơ bị tấn công, trẻ còn dễ bị hen suyễn, các bệnh đường hô hấp vì lông chó, mèo và các vật nuôi khác. Những bệnh liên quan đến ký sinh trùng chó, mèo không kém phần nguy hiểm. Nguy cơ lây nhiễm cũng tăng lên nếu chó, mèo được cho đi lại tự do trong nhà hoặc trẻ thường xuyên ôm ấp, nựng nịu chúng. Chất thải của vật nuôi thấm vào vật dụng, nhất là nước tiểu của mèo, cũng dễ gây hen suyễn, dị ứng hô hấp.
Bình luận (0)