Không chỉ là những khoản tiền được "định danh" rõ ràng, lạm thu có thể núp bóng dưới vỏ bọc của vô số khoản tiền sách vở, đồng phục, cặp sách, thậm chí là bao bì bọc sách, nhãn vở… mà nhà trường yêu cầu học sinh trang bị cho đúng kiểu cách quy định.
Câu chuyện 25 đầu sách ở một trường tiểu học hay chuyện nhà trường chỉ định địa điểm may đo đồng phục mới đây là những ví dụ điển hình.
Theo quy định, học sinh đến trường chỉ phải đóng học phí cố định và các loại BHYT, bảo hiểm tai nạn. Tuy nhiên, có hàng chục khoản thu khác đè nặng lên vai phụ huynh bằng con đường "xã hội hóa giáo dục". Chủ trương "xã hội hóa giáo dục" không sai nhưng nhiều trường cố tình lạm dụng nó để tận thu.
Hỗ trợ trang bị thêm cơ sở vật chất nhằm phục vụ việc học tập, sinh hoạt của con em mình tốt hơn là niềm mong mỏi của hầu hết phụ huynh. Nhưng khi danh mục các khoản đóng góp vượt quá khả năng của nhiều gia đình, sự bức xúc là lẽ tất nhiên.
Dưới danh nghĩa "tự nguyện", một số trường đã "vẽ" ra khá nhiều khoản thu ngoài quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chính các khoản thu tiền trường, tiền lớp, tiền hội này mới khiến phụ huynh ta thán: "Cái giá "mua chữ" quá chát!". Tuy nhiên, vì khoác áo "tự nguyện" nên khi vụ việc lạm thu bị phanh phui, nhiều lãnh đạo nhà trường đã nhanh chóng phủi tay, đẩy trách nhiệm cho hội phụ huynh.
Học phí không đáng lo nhưng phụ phí đi kèm lại là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Cứ nghe phụ huynh rỉ tai nhau "mùa thu tiền" khi nhận giấy mời họp đầu năm mới thấy hết tiếng xấu mà ngành giáo dục đang phải chịu đựng. Xin đừng để mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình chỉ có mỗi chữ "tiền" vào mỗi đầu năm học. Xin đừng để ngành giáo dục phải gánh tiếng xấu về các khoản thu "trên trời dưới đất" do một số người "vẽ ra" để tận thu. Muốn vậy, hãy kỷ luật thật nghiêm với hiệu trưởng của trường nào có dấu hiệu lạm thu!
Bình luận (0)