Tôi là giáo viên Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Chiềng Sung (xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Với tôi, Tết Tân Sửu 2021 là một cái Tết đặc biệt trong nghiệp gieo chữ ở nôi đá núi xa xôi này.
Con đường các thầy cô giáo hằng ngày đến trường gieo chữ cho học sinh vùng cao ở xã Chiềng Sung
18 tháng Chạp rơi vào ngày thứ 7, ngày cuối cùng của tuần học thứ hai kỳ 2, năm học 2020 – 2021. Trên đường đến trường, các loài hoa ven đường thi nhau khoe sắc xuân. Đó là những bông đào rừng, bông mận, mơ trắng muốt. Điểm xuyến không gian tươi đẹp đó còn có thêm những thảm cải trải vàng trông giống hệt như chiếc khăn thổ cẩm với bao sắc màu của các cô gái Thái quê hương Sơn La chúng tôi.
44 học trò của tôi cùng theo chân đến lớp. Kết thúc tiết sinh hoạt, cả lớp nôn nao, hỏi cô giáo khi nào được nghỉ Tết. Hiểu tâm lý học trò, tôi trấn an: "Khi nào các con thấy cô gửi lời chúc Tết đến toàn thể lớp ta thì lúc ấy các con sẽ được nghỉ".
Ấy vậy mà dịch bệnh Covid - 19 lại quay trở lại vào đúng dịp Tết nguyên đán gần kề. Tôi không nghĩ rằng buổi học ngày thứ 7 ấy lại là buổi học cuối cùng trước dịp Tết đến Xuân về của các em ở ngôi trường vùng cao Chiềng Sung.
Trước tình hình và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cũng là dịp cuối năm cha mẹ học sinh của tôi đi làm thuê, làm công nhân ở dưới xuôi về đoàn tụ cùng gia đình khá đông, nên theo quyết định của tỉnh, toàn bộ học sinh tỉnh Sơn La nghỉ học từ ngày 20 tháng Chạp.
Lời hứa của cô giáo chúc Tết các con không được thực hiện, tôi chỉ biết gửi tin nhắn SMAS thông báo lịch nghỉ học và kèm theo lời chúc Tết đến gia đình học sinh lời chúc đón năm mới: An toàn, tiết kiệm, thực hiện đúng thông điệp 5K của Bộ Y tế và tránh tụ tập đông người…
Có lẽ, trong 15 năm làm cô giáo vùng cao, Tết Tân Sửu 2021 là cái Tết đặc biệt không chỉ của cá nhân tôi mà còn là dịp Tết " đặc biệt " của đất nước hình chữ S xinh đẹp. Trong lời chúc Tết lần thứ 15 này của tôi nó còn đặc biệt hơn nữa vì tôi có thêm nội dung "thực hiện tốt công tác phòng dịch bệnh". Một cái Tết mà bất cứ ai cũng cảm nhận rõ nét hơn ý nghĩa câu nói: "Sống chậm lại, nghĩ khác đi".
Các thầy cô giáo Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Chiềng Sung phân loại phiếu học tập trước khi đi phát từng nhà học sinh sáng mùng 8 Tết Tân Sửu 2021
Theo đúng lịch thì mùng 6 Tết Nguyên đán học sinh chính thức đi học trở lại. Nhưng không, chiều mùng 5, chúng tôi lại nhận được công văn với nội dung: "Học sinh tiếp tục nghỉ học đến khi có thông báo mới vì dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp". Năm thứ hai từ khi nhận chủ nhiệm 44 đứa con tinh thần, các con lại nghỉ học dài sau Tết vì dịch.
Vậy là, vẫn như năm cũ, các thầy cô ngay sau khi nhận công văn chỉ đạo đã bắt tay ngay vào việc soạn câu hỏi, nội dung bài tập, photocopy, phân loại theo danh sách bản học sinh ở và cùng nhau đi phát phiếu học tập đến 12 bản trong xã.
Do điều kiện kinh tế gia đình các em đa phần thuộc diện khó khăn nên việc học online là không khả quan như học sinh ngoài thị trấn, thị xã. Vì thế, để việc học không bị gián đoạn, nhà trường thống nhất chọn cách phát phiếu học tập tới từng gia đình học sinh.
Sáng mùng 8 Tết Tân Sửu, khi các loài hoa vẫn khoe mình đón nắng mai, cũng là lúc thầy cô chúng tôi lại lên đường "đến từng nhà, rà từng bạn" để phát phiếu học tập cho các em và không quên kèm theo lời nhắn nhủ: "Cố gắng hoàn thiện phiếu để sang tuần thầy cô vào thu rồi phát phiếu mới".
Tác giả nhận phiếu học tập và đến từng bản phát cho học sinh
Tôi chợt phát hiện ra một điều, cho dù dịch bệnh có diễn biến phức tạp nhưng cũng như năm học 2019-2020, với tinh thần đoàn kết một lòng của người dân Việt, quyết tâm của các thầy cô giáo miền núi xa xôi thì việc gieo chữ nơi đá núi của chúng tôi vẫn không hề bị gián đoạn.
Covid - 19 chỉ khiến mọi người thêm gần nhau hơn. Chỉ cần chúng ta đồng lòng, đoàn kết thì chắc chắn dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi và trường học sẽ lại vang lên tiếng giảng bài cùng những tiếng cười trẻ thơ.
Nhằm làm phong phú thêm nội dung, tạo sự tương tác cao hơn với bạn đọc, Báo Người Lao Động tổ chức 2 cuộc thi trên Báo Người Lao Động điện tử (NLĐO) dịp Tết Tân Sửu 2021.
Cuộc thi "Nhà mình ngày Tết" và "Làm báo cùng Báo Người Lao Động" nhận tác phẩm từ ngày 1-2 (20 tháng chạp) đến 21-2 (mùng 10 tháng giêng).
Bạn đọc có thể xem thể lệ, giải thưởng về 2 cuộc thi này tại đây .
Lưu ý: do tin bài dự thi của bạn đọc có đính kèm video hoặc hình ảnh có dung lượng khá lớn, nên cần phải giảm dung lượng hình ảnh xuống để gửi hoặc bạn đọc có thể tải lên Google Drive hoặc OneDirve rồi gửi mail chúng tôi link download video, hình ảnh dung lượng lớn đó. Nếu gặp trục trặc trong việc gửi tin bài dự thi xin vui lòng liên hệ qua email: xuanonline@nld.com.vn
Bình luận (0)