"Mỗi lần nói chuyện với con qua điện thoại, con hỏi mẹ ơi khi nào mẹ về, con nhớ mẹ lắm? Nước mắt tôi cứ trào ra" - đó là trải lòng của nữ điều dưỡng Hoàng Thị Ánh Tuyết ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Quảng Nam.
Nhớ hồi đầu tháng 8-2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng và Quảng Nam, BVĐK Trung ương Quảng Nam đón hàng chục ca dương tính vào điều trị. Ngoài đảm nhận điều trị các ca dương tính, các y bác sĩ ở đây còn điều trị mấy chục ca F1 trong tỉnh Quảng Nam, các ca nghi nhiễm (cách ly y tế) với các bệnh nền, như: Đái tháo đường, cao huyết áp, tiền sử ung thư phổi…
Đội ngũ y bác sĩ luôn sẵn sàng vào cuộc
Trong quá trình điều trị, các y bác sĩ phải thường xuyên nói chuyện, tâm tình qua điện thoại để động viên bệnh nhân vững niềm tin chiến thắng bệnh tật. Đội ngũ thầy thuốc phải hội chẩn liên tục, nỗ lực điều trị. Kết quả, sức khỏe của các bệnh nhân diễn tiến tốt dần và có hàng chục bệnh nhân được điều trị khỏi SARS-CoV-2.
Điều dưỡng Hoàng Thị Ánh Tuyết là một đoàn viên của Khoa Hồi sức cấp cứu. Chị không giấu được xót xa khi kể về những đồng nghiệp trẻ phải xa con nhỏ, bị chủ nhà trọ kỳ thị. Gần một tháng liền, chị và các đồng nghiệp luôn như là các "F1" vì tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và phải "cắm trại" hoàn toàn trong bệnh viện để bảo đảm an toàn cho người thân, hàng xóm. Họ chưa bao giờ được ngủ một giấc quá 3-4 giờ mỗi ngày, giấc ngủ chập chờn, trong giờ nghỉ vẫn cứ phải quanh quẩn ở khu điều trị.
Dù rất nhớ con, nhưng khi nhắc đến con thì chị Tuyết lại gạt nước mắt. Chị kể trước khi dịch bùng phát trở lại, chị gửi 2 con về quê ở tỉnh Hà Nam cho bà nội chăm sóc. Đứa út mới 2 tuổi. Mỗi lần gọi điện thoại về quê, nhìn thấy mặt con, nổi nhớ dâng lên tột cùng, chỉ ước ôm con vào lòng cho thỏa nỗi nhớ thương. Con hỏi sao mẹ đi lâu thế, bao giờ mẹ về? Chị không thể trả lời được, vì chính chị cũng không biết khi nào mình được về nếu vẫn chưa xong nhiệm vụ.
"Mong muốn lớn nhất là dịch qua đi, sau đó mình sẽ được về nhà. Chưa bao giờ xa con lâu như thế này" - chị Tuyết chia sẻ.
Rồi khi làm nhiệm vụ, chị kể mỗi lần mặc đồ bảo hộ vào phòng bệnh nhân là mỗi lần vất vả vì đồ bảo hộ rất nóng, trong khi phòng bệnh chỉ sử dụng quạt và gió trời nên càng nóng hơn. Chỉ vài phút sau khi mặc là người đã ướt mồ hôi. Mỗi lần cởi đồ bảo hộ, mồ hôi ra như vừa tắm xong.
Chăm sóc bệnh nhân từng ly từng tí
Với những ca dương tính SARS-CoV-2, nhiều bệnh nhân còn mắc bệnh nền rất nặng, trong khi khu cách ly ở bệnh viện không cho người nhà vào thăm, chăm sóc. Vì thế các điều dưỡng đảm đương luôn việc chăm sóc cho bệnh nhân từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân. Có bệnh nhân ngoài dương tính SARS-CoV-2 thì còn bị liệt nửa người, cứng khớp không tự làm gì được, chị Tuyết và đồng nghiệp phải chăm sóc hoàn toàn từ cho ăn, thay bỉm tả, vệ sinh cá nhân, xoay trở người cho khỏi bị loét.
Nhưng đối với chị, công việc đó xuất phát từ tâm niệm "lương y như từ mẫu", là mệnh lệnh của trái tim. Các y bác sĩ không cho phép mình sợ hãi trước dịch bệnh. Bởi theo chị, khi đã khoác lên mình chiếc áo blouse trắng thì lương tâm và trách nhiệm đặt lên hàng đầu. Tất cả vì người bệnh.
Đầu năm 2021 cũng là thời điểm mà dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số tỉnh, thành phố. Chị Tuyết và đồng nghiệp đã xác định ăn Tết tại bệnh viện. Công việc vô cùng bận rộn. Chị cùng đội ngũ y bác sĩ BVĐK Trung ương Quảng Nam không chỉ tập trung chống dịch Covid-19, chuẩn bị mọi phương án để bảo đảm công tác cấp cứu, khám chữa bệnh diễn ra bình thường mà còn chăm lo đời sống tinh thần cho những bệnh nhân phải điều trị trong dịp Tết.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lực lượng y bác sĩ - những "chiến sĩ áo trắng" phải luôn ở tuyến đầu, hy sinh thầm lặng để cùng với chính quyền và nhân dân cả nước đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho mọi người. Để làm được điều đó, họ bất chấp hiểm nguy, bất trắc, kỳ thị của bao người dành cho mình. Đọng lại đằng sau tất cả chính là nụ cười, niềm tin của họ.
Nhằm làm phong phú thêm nội dung, tạo sự tương tác cao hơn với bạn đọc, Báo Người Lao Động tổ chức 2 cuộc thi trên Báo Người Lao Động điện tử (NLĐO) dịp Tết Tân Sửu 2021.
Cuộc thi "Nhà mình ngày Tết" và "Làm báo cùng Báo Người Lao Động "bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày 1-2 (20 tháng chạp) đến 21-2 (mùng 10 tháng giêng).
Bạn đọc có thể xem thể lệ, giải thưởng về 2 cuộc thi này tại đây .
Lưu ý: do tin bài dự thi của bạn đọc có đính kèm video hoặc hình ảnh có dung lượng khá lớn, nên cần phải giảm dung lượng hình ảnh xuống để gửi hoặc bạn đọc có thể tải lên Google Drive hoặc OneDirve rồi gửi mail chúng tôi link download video, hình ảnh dung lượng lớn đó. Nếu gặp trục trặc trong việc gửi tin bài dự thi xin vui lòng liên hệ qua email: xuanonline@nld.com.vn
Bình luận (0)