Trong những ngày Xuân này, ngoài tháp Chăm ở Cầu Đôi (phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn), tháp Cánh Tiên (thị xã An Nhơn)…, nhiều du khách còn ghé Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định để tìm hiểu về những "báu vật" của địa phương nằm rất gần bờ biển.
Tượng nữ thần Mahishasuramardini
Tại phòng trưng bày hiện vật văn hóa, chúng tôi choáng ngợp về 2 Bảo vật quốc gia được công nhận đầu tiên vào năm 2015. Đó là tượng nữ thần Mahishasuramardini (niên đại thế kỷ XII, phát hiện năm 1988 tại phế tích tháp Rừng Cấm ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) và tượng thần Brahma (niên đại thế kỷ XII - XIII, phát hiện năm 1984 tại tháp Dương Long ở xã Tây Bình, huyện Tây Sơn).
Tượng thần Brahma
Cuối năm 2017, hai tượng chim thần Garuda diệt rắn có niên đại thế kỷ XIII (được tìm thấy vào năm 2011 trong cuộc khai quật tại phế tích tháp Mẫm ở thị xã An Nhơn) cũng tiếp tục được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Hai tượng chim thần Garuda diệt rắn
TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định, cho biết: "Để được công nhân là Bảo vật quốc gia thì phải đảm bảo giá trị lịch sử và mỹ thuật. Bốn bảo vật đã góp phần nâng cao giá trị của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định, xứng tầm với bảo tàng loại II. Bảo tàng Bình Định ra đời từ năm 1980. Với những ngày đầu khi mới thành lập, số lượng hiện vật rất ít ỏi. Để có được số lượng gần 20.000 hiện vật như hiện nay, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ của bảo tàng đã dày công sưu tầm trong gần 30 năm qua".
Đi dọc dải đất miền Trung đầy nắng gió, vào nhiều bảo tàng Chămpa, chúng tôi nhận thấy có lẽ Bảo tàng Bình Định là nơi đang sở hữu nhiều bảo vật độc đáo.
Bình luận (0)