Nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk trưng bày một cuốn sách được làm bằng gỗ quý khổ 50x70 cm, gồm 12 trang, có tiêu đề "Thầy giáo Y Jut Hwing (1885-1934) người con ưu tú của Tây Nguyên", thể hiện bằng 4 thứ tiếng: Việt, Êđê, Anh và Pháp. Đây là công trình của tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông (giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên) và nghệ nhân Võ Văn Hải.
Nguyên văn nội dung cuốn sách này có đoạn: "Đầu năm 1925, thông qua hoạt động của các chiến sĩ Cộng Sản bị giam ở nhà tù Buôn Ma Thuột, ánh sáng cách mạng đã lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên. Cũng như nhiều trí thức Êđê yêu nước khác ở tỉnh Đăk Lăk, thầy Y Jut Hwing không đồng thuận với chính sách "dùng người Thượng trị người Thượng" của thực dân Pháp đối với Tây Nguyên". Như vậy, theo tác giả thì từ đầu năm 1925, nhà giáo Y Jut và "cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên" đã chịu ảnh hưởng từ những "hoạt động của các chiến sĩ Cộng Sản bị giam ở nhà tù Buôn Ama Thuột", của "ánh sáng cách mạng".
Chi tiết này không chính xác, vì Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời ngày 3-2-1930 và nhà tù Buôn Ma Thuột không tồn tại trước thời điểm đó nên diễn đạt như trên là không gần với thực tế. Chính các tài liệu được địa phương này công bố cũng đã khẳng định điều đó.
Cụ thể: Sách "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930-1954 (NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002) ghi thời điểm xuất hiện của những người cộng sản tại địa phương này như sau: "Sau cao trào 1930-1931 và Xô Viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp đã bắt và đày lên Buôn Ma Thuột trên 30 chiến sĩ cộng sản". Đến "cuối năm 1940, do tình hình đòi hỏi, một số chiến sĩ cộng sản tự thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam". Sách "Địa chí Đắk Lắk (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015) dù có khác chút ít nhưng không có thông tin khác so với "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk 1930-1954" vừa nêu.
Một trang sách "Thầy giáo Y Jut Hwing (1885-1934) người con ưu tú của Tây Nguyên"
Tương tự, trong phần giới thiệu di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà đày (nhà tù – NQT) Buôn Ma Thuột, trang điện tử của Ban Quản lý di tích tỉnh Đắk Lắk (http://ditichdaklak.org.vn/nha-day-buon-ma-thuot-2/) cho biết: "Nhà đày Buôn Ma Thuột do chính quyền thực dân Pháp thiết lập tại Đắk Lắk trong thời kỳ 1930-1931 để đày biệt xứ và giam giữ những người yêu nước, những Đảng viên cộng sản bị bắt và bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ (…). Ở đây suốt từ năm 1930 đến 1945, hàng ngàn lượt tù chính trị Việt Nam đã bị giam giữ, bị chính quyền thực dân Pháp và phong kiến tay sai hành hạ một cách dã man".
Như vậy, nhà tù Buôn Ma Thuột được thực dân Pháp xây dựng sau năm 1925 khá lâu, nhiều đảng viên cộng sản đã bị giam cầm tại đây từ khoảng năm 1930 về sau. Do đó, không có cơ sở để cho rằng cố nhà giáo Y Jut và "cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên" chịu ảnh hưởng của Đảng thông qua các hoạt động của những chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại nhà tù Buôn Ma Thuột vào thời điểm đầu năm 1925, như cuốn sách gỗ nêu trên đã thể hiện.
Cố nhà giáo Y Jut (1885 hoặc 1888-1934) là người nổi tiếng ở Tây Nguyên và được xem là tác giả, đồng tác giả sáng tạo ra bộ chữ Êđê. Ông còn được coi là trí thức đi đầu trong phong trào chống Pháp tại địa phương những năm đầu thế kỷ XX.
Bình luận (0)