Có một điều chắc chắn là bố mẹ nào cũng thương con, luôn mong con được lớn lên trong bình an, thành đạt, hạnh phúc… Tuy nhiên, trong quá trình nuôi dạy con, đôi khi tình thương của bố mẹ trở thành áp lực cho con, làm khổ con lẫn bố mẹ. Cũng đôi khi con không hiểu được tình thương của bố mẹ nên đã có những phản ứng thái quá, đến khi nhận ra mình sai thì đã muộn.
Chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt của con
Thi thoảng, tôi được vài bạn trẻ - sinh viên tìm đến chia sẻ khó khăn trong kết nối với bố mẹ. Các em kể từ nhỏ, bố mẹ luôn đáp ứng các nhu cầu vật chất nhưng lại thiếu quan tâm tinh thần, không gần gũi để lắng nghe những mong ước của các em. Chính vì vậy, dù lớn lên trong đầy đủ vật chất nhưng các em lại cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà của mình.
"Ba mẹ em đi làm suốt ngày, về ăn tối cũng chỉ bàn công việc mà không hỏi hôm nay em đi học có vui không, có bị bạn bè bắt nạt gì không?" - một sinh viên kể. Em cho biết từng phải trải qua những ngày bị nhóm bạn bắt nạt, có lúc em cảm thấy sợ hãi, mệt mỏi đến mức muốn "giải thoát". Theo em, một số bạn bè của em cũng gặp những tình huống tương tự.
Tôi đồng cảm với em và hiểu rằng việc nuôi - dạy con không hề đơn giản, nhất là khi trẻ hiện lớn nhanh, nhu cầu nhiều và cám dỗ cũng như các vấn đề các con gặp bên ngoài không ít. Quan tâm đến con, lắng nghe con bằng những câu hỏi gợi mở để con chia sẻ ngay từ nhỏ là cách kết nối bố mẹ - con cái tốt nhất.
Khi bố mẹ tạo được niềm tin với con, trở thành người hiểu con, chấp nhận con như chính con chứ không phải bằng mọi cách "nhào nặn" con theo hình thù như bố mẹ muốn, thì sẽ trở thành điểm tựa hay tấm khiên che chở, giúp đỡ con vượt qua khó khăn bên ngoài lẫn hỗ trợ con trong những tình huống khó xử bên trong.
Tôi nhớ câu nói của một vị thiền sư: "Ta có là ta thì ta mới đẹp" để nghĩ về việc lắng nghe, chấp nhận năng lực, giới tính riêng của con mà các vị phụ huynh cần lưu ý. Chẳng hạn, khi con có thiên hướng nghệ thuật, đừng bắt con phải theo tự nhiên và ngược lại. Hoặc khi con mang giới tính gốc thuộc cộng đồng LGBT thì cũng đừng ngạc nhiên hoặc sốc đến mức ép con phải trở thành "trai thẳng", "gái thẳng", khiến con khổ đau, mỏi mệt…
Chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt của con chính là cách bố mẹ cởi trói mình và con khỏi những nỗi khổ niềm đau, kiến tạo một cuộc sống tích cực, bình an cho con. Chỉ khi nào con người thực sự sống với chính họ một cách trọn vẹn thì họ mới hạnh phúc, mới phát huy những giá trị của chính họ và có đóng góp tích cực cho cuộc đời.
Để có thể hiểu được nhau, bố mẹ - con cái cần kết nối một cách thường xuyên, tích cựcẢnh minh họa: Hoàng Triều
Lắng nghe không chỉ một chiều
Có nhiều bạn trẻ hiểu lầm bố mẹ, không chịu nói ra, cuối cùng có những phản ứng ngang ngược khiến mình lao vào con đường xấu, làm bố mẹ khổ sở vì mình.
Tôi từng biết một bạn trẻ như vậy, lúc nào cũng "ám thị" rằng bố mẹ thương… em trai hơn mình nên luôn trách móc, tỏ thái độ. Tuy nhiên, sau nhiều năm tháng bực bội, làm khổ bố mẹ mình, tình cờ, một lần bạn nghe được câu chuyện mà bố mẹ giấu kín, đó là em trai của bạn được chẩn đoán đang ở ngưỡng bị tự kỷ nhẹ. Do vậy, bố mẹ không dùng cách giáo dục thông thường để ứng xử với em và cũng không muốn cho mọi người biết việc này, sợ gây tổn thương cho em.
Dù bị trách oan nhưng bố mẹ bạn luôn chịu đựng vì thương các con. "Sau khi biết điều đó, em đã khóc rất nhiều và thương ba mẹ gấp bội. Em tự hứa sẽ bù đắp lại lỗi lầm mình đã gây ra với ba mẹ, suy nghĩ không đúng về tình thương mà ba mẹ dành cho mình. Thật sự ba mẹ không hề có sự thiên vị nào" - bạn kể trong hối hận.
Thực tế, không phải gia đình nào cũng có kết thúc có hậu như chuyện vừa kể bởi có rất nhiều bạn "trẻ người non dạ" nên khi bố mẹ la mắng vài câu đã vội kết luận họ không thương mình rồi hành xử không đúng. Có bạn tìm tới chất kích thích, có bạn tìm bạn xấu để giao du, tệ hơn có bạn chọn cái chết để "trừng phạt" bố mẹ… Tất cả những hành xử này đều là dại dột mà chính những người trẻ cũng cần nhìn lại mình.
Chúng ta luôn yêu cầu người lớn phải thế này thế nọ với con, điều này đúng nhưng người nhỏ cũng cần những tiêu chuẩn nhất định trong ứng xử ngược lại với người lớn.
Gạch nối bố mẹ - con cái là gạch nối hiểu, thương. Nhưng chỉ vì chưa lắng nghe sâu sắc mà đôi khi cả bố mẹ và con cái đã không hiểu nhau thành ra không thể thương nhau đúng đắn, khiến cho nhau đau khổ, mệt mỏi suốt thời gian dài.
Để có thể hiểu được nhau, đừng quên những kết nối một cách thường xuyên, tích cực qua những lần ăn cơm, đi chơi… Những tương tác cởi mở thông qua trò chuyện chính là cách phá vỡ các vách ngăn về tuổi tác để bố mẹ - con cái được gần nhau hơn, chấp nhận được những sự khác biệt của thành viên còn lại trong gia đình, xóa tan những hiểu lầm không đáng có.
Hoàn thiện nhân cách cho con
Ông bà ta thường nói: "Dạy con dạy thuở còn thơ". Thỏa mãn những nhu cầu ăn mặc, học hành, vui chơi cho con là niềm vui và hạnh phúc của các bậc làm cha mẹ. Nhưng nếu nuông chiều, nhượng bộ con quá sẽ rất tai hại. Vậy cha mẹ phải làm gì để "hoàn thiện" nhân cách con trẻ?
Trước hết, cha mẹ phải cẩn trọng lời nói, không được hứa khi chưa suy nghĩ chín chắn. Bởi chỉ một lời hứa cho được việc, vô tình sẽ đánh mất lòng tin của trẻ.
Thứ hai, phải kiên quyết, không nhượng bộ nếu đòi hỏi không đúng. Một đôi lần như thế, tự khắc trẻ sẽ nghiệm ra và ngoan ngoãn nghe lời. Ngược lại, nếu cha mẹ không kiên nhẫn, trẻ sẽ lợi dụng ngay điểm yếu này để tiếp tục có thói quen đòi hỏi những lần tiếp theo.
Thứ ba, phải giải thích cho trẻ hiểu và biết quý trọng giá trị đồng tiền. Khi mua một món đồ nào cho trẻ cũng phải giải thích cho chúng hiểu sự cần thiết của nó để tạo ý thức tiết kiệm, không tranh đua vật chất với bạn bè. Cũng phải giải thích cho trẻ biết lý do khi nhận được quà tặng của cha mẹ. Cần tránh việc tiện tay mua sắm những món quà không cần thiết.
Cuối cùng, đừng bao giờ tiết kiệm lời giải thích với trẻ khi trẻ thất vọng vì cha mẹ không thỏa mãn một yêu cầu nào đó. Lời giải thích phải phù hợp với lứa tuổi và dễ hiểu để trẻ tiếp thu.
Rèn nhân cách sớm cho trẻ là một việc rất cần thiết để tránh nhiều hệ lụy không mong muốn trong tương lai.
Tú Nguyên
Bình luận (0)