Bạn đọc TÚ NGUYÊN:
Thưởng cho người cung cấp thông tin
Nạn vứt rác bừa bãi ở TP HCM đã trở thành vấn nạn gần như nan giải. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân gần như cốt lõi là ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, môi trường của người dân còn kém.
Tôi từng chứng kiến vào khoảng 3-4 giờ sáng trên đường Tân Kỳ - Tân Quý, gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), nhiều người đi xe máy "vô tư" đẩy nhiều bao rác xuống vệ đường. Còn chuyện bỏ thức ăn thừa, túi ni lông, chai nhựa… xuống miệng cống thì diễn ra… như là chuyện hiển nhiên. Cũng không khó bắt gặp hình ảnh dưới những tấm biển "Cấm đổ rác" với nhiều điều, mức phạt… toàn là rác.
Những trường hợp như trên ít khi người vi phạm bị cơ quan chuyên môn phát hiện xử phạt bởi hành vi diễn ra trong giây lát, người vi phạm thực hiện việc xả rác mọi lúc mọi nơi.
Vì thế, song song với việc xử lý hành vi vi phạm bằng biện pháp xử phạt hành chính cần có quy định thưởng cho người dân cung cấp thông tin, hình ảnh người xả rác bừa bãi. Chuyện này hoàn toàn hợp lý: có phạt thì cũng nên có thưởng.
Bãi rác trên đường số 2, phường Linh Xuân (TP Thủ Đức, TP HCM) Ảnh: ANH VŨ
Ở một số nước, chương trình lắp đặt các máy tự động đổi chai nhựa, thủy tinh đã qua sử dụng để lấy tiền cũng đã đem lại những thành công nhất định. Điểm chung các mô hình này là có sự vận động tự thân mỗi cá nhân từ sự kích thích của lợi nhuận trên hành vi tự giác của con người, từ đó tác động lên ý thức, khiến người dân bỏ rác đúng chỗ.
TP HCM chưa thể áp dụng mô hình "đổi rác lấy tiền" bằng máy vì kinh phí rất lớn và còn nhiều yếu tố bất cập. Tuy nhiên, có một giải pháp tương tự vừa khả thi vừa hợp lòng dân: đổi rác lấy tiền, nói đúng hơn là "mua rác trong dân", thì sẽ có hiệu quả hơn.
Gần đây, đầu năm 2022, quận Phú Nhuận phát động phong trào "Mang rác lên phường đừng mang rác ra đường" đã được người dân 13 phường nhiệt tình hưởng ứng. Phong trào nhằm thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy TP HCM về thực hiện cuộc vận động "Người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước".
Trước đây, nhiều chương trình "đổi rác lấy quà" cũng đã diễn ra ở TP HCM, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế… được nhiều người, nhiều giới hưởng ứng tích cực.
Tuy nhiên, để mọi người nói không với xả rác tràn lan, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường thì không nên dừng lại ở phong trào, lúc có lúc không mà TP HCM nên xây dựng một chính sách cụ thể, trở thành một công tác thường xuyên, liên tục, đều khắp và tuyên truyền đến tận người dân để đạt hiệu quả cao.
Bạn đọc HẢI ĐĂNG:
Công khai danh tính người vi phạm
TP HCM là đô thị nằm ven kênh rạch, cả thành phố có hàng trăm cây cầu lớn nhỏ nối liền giao thông các quận, huyện nhưng trong số đó, nhiều cây cầu trở thành những điểm ô nhiễm trầm trọng bởi rác thải. Dễ dàng nhìn thấy nhất là bao ni lông, hộp sữa, chai nước, túi giấy, tàn thuốc, vỏ hộp cơm...
Đáng nói hơn là tình trạng cố ý mang rác thải lên cầu lén bỏ lại diễn ra từ lâu và ngày càng tăng, nhất là các khu vực quận, huyện ngoại thành. Từ xà bần, đồ nội thất cũ cho đến đủ loại phế phẩm nông sản như vỏ dừa, xác mía, rau củ hư thối... đều bị vứt bỏ bừa bãi trên cầu, chân cầu, gầm cầu. Có nơi, rác thải chiếm hết trên lề khiến người đi bộ phải đi vào phần đường dành cho xe máy. Nhiều người còn cố tình chở rác lên giữa cầu rồi thả thẳng xuống kênh rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước.
Tình trạng rác thải tại một số cây cầu ở TP HCM không chỉ xuất phát từ sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân mà còn bởi nhiều bất cập trong việc thu gom, xử lý rác thải và phát hiện đối tượng vi phạm. Cụ thể, ban đêm trên cầu ít phương tiện qua lại, dân cư không sinh sống gần đó, không có camera giám sát… Nhiều cây cầu là nơi giáp ranh giữa các địa phương (phường, xã, quận, huyện...) thiếu sự phối hợp, nhất quán trong việc quản lý, giám sát của địa phương.
Vì lẽ đó, cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp giám sát, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường nơi công cộng. Ngoài tăng mức phạt tiền, cần áp dụng hình phạt lao động công ích, trực tiếp dọn dẹp những bãi rác do chính người vi phạm xả ra. Nếu tái phạm có thể tăng nặng mức phạt và người vi phạm bị công khai danh tính tại nơi sinh sống, báo cho nơi cá nhân đó học tập, làm việc.
Ngoài ra, tăng cường gắn camera để ghi nhận đổ rác trộm, có thể huy động xã hội hóa để hoạt động này hiệu quả hơn.
Sử dụng túi vải, túi giấy thay thế túi ni lông
Những năm gần đây, vấn đề rác thải nhựa đã được quan tâm hơn, nhiều quán cà phê đã sử dụng ống hút gạo, ống hút giấy, các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường để thay thế cho nhựa. Một số siêu thị, cửa hàng, hệ thống bách hóa đã nói không với túi ni lông, chuyển sang sử dụng các vật dụng thân thiện môi trường. Tuy nhiên, thói quen bán hàng kèm túi ni lông, hộp nhựa… vẫn chưa cải thiện đáng kể. Đây cũng là nguyên nhân góp phần xả thải tràn lan, khiến môi trường ở nước ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để bỏ thói quen sử dụng túi ni lông, hộp nhựa… trong sinh hoạt, mua bán hằng ngày, cần liên tục tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí có hình thức chế tài nặng để người dân ý thức hơn.
Việc sử dụng túi vải, túi giấy và các vật liệu thân thiện với môi trường môi sinh thay cho túi nhựa, túi ni lông không khó, chủ yếu xuất phát từ mong muốn cải thiện môi trường sống của bản thân mỗi người, mỗi gia đình. Đó cũng là cách để thể hiện tình yêu với môi trường sống, là phương cách để hạn chế rác thải bừa bãi.
Lê Nữ Kim Cương
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-3
Bình luận (0)