Lâu dần, những loại rác thải sinh hoạt, xà bần, vật dụng đã qua sử dụng… không được thu gom tạo nên vô số bãi rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Không chỉ khu vực cầu Phú Hữu mà rất nhiều nơi dưới chân cầu ở Rạch Chiếc (TP Thủ Đức), cầu Ông Lãnh (quận 1), cầu Chữ Y (quận 5)... đều xuất hiện tràn lan những bãi rác thải sinh hoạt, bao bì ni-lông, thạch cao, la-phông, phế thải xây dựng. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, chân cầu còn là nơi xả các loại rác y tế như khẩu trang, màng chắn nhựa, kit test… từ những hộ gia đình và một số người dân kém ý thức "đổ trộm" vào ban đêm. Bên cạnh đó, chân cầu cũng là nơi tập trung rất nhiều xe thu gom rác thải, gây cản trở quá trình lưu thông, bốc mùi hôi thối nồng nặc, khiến nhiều người dân đi qua khu vực này ngao ngán. Đáng lưu tâm hơn, những cá nhân thu gom rác còn điều khiển xe rác chạy ngược chiều, gây nguy hiểm cho nhiều người khi tham gia giao thông tại khu vực này.
Việc rác thải tràn lan đến mức quá tải dưới các chân cầu không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tác động xấu đến sức khỏe người dân. Thậm chí, có một số loại rác cồng kềnh rất khó phân hủy như bàn ghế, sofa, nệm, giường… gây nên tình trạng hỗn loạn, ẩn chứa nhiều mầm bệnh gây hại. Đặc biệt là vào mùa mưa, nước từ các bãi rác và xe thu gom rác chảy xuống đường, gây ô nhiễm và tăng nguy cơ lây bệnh cho người dân. Thực trạng trên khiến cá nhân tôi và nhiều người dân cảm thấy bức xúc.
Anh V., một hàng xóm gần nhà tôi, phản ánh: "Dọc bờ kênh không thiếu thùng rác công cộng được bố trí nhiều nơi nhưng rất nhiều người không chịu bỏ rác vào thùng mà vứt lung tung dưới chân cầu". Bác T., một cán bộ hưu trí của phường thường xuyên cùng các em thanh niên dọn dẹp vệ sinh dưới chân cầu, cho rằng: "Chỉ có phạt nặng bằng cách đánh vào túi tiền của những người sống vô ý thức, thiếu trách nhiệm với môi trường cũng như cộng đồng thì mới đủ sức răn đe".
Cá nhân tôi rất ngưỡng mộ sự nhiệt tâm của bác T. và vô số người tình nguyện nhặt rác dưới chân cầu, góp phần làm sạch cảnh quan, sự trong lành môi trường. Nhưng tất cả sẽ chỉ là nỗ lực trong vô vọng khi ý thức của cộng đồng dân cư không thay đổi. Thói quen tiện tay vứt rác ở bất kỳ đâu, tư duy "miễn rác không làm bẩn nhà mình", quan niệm "dọn rác là công việc của công nhân vệ sinh"… đang biến hầu hết các chân cầu, vỉa hè và mọi nẻo đường tươi đẹp của đất nước trở nên xấu xí hơn rất nhiều.
Chúng ta luôn nhìn về đất nước Singapore với sự trầm trồ, thán phục các con đường xanh - sạch. Chúng ta vẫn luôn ngợi ca người Nhật giữ kỷ luật, nền nếp và xây dựng được ý thức cộng đồng cao. Singapore, Nhật Bản, cũng như nhiều quốc gia văn minh khác có thể tạo ra nền móng văn hóa cộng đồng tốt đẹp không phải việc một sớm một chiều, mà trải qua quá trình chuyển biến ý thức của nhiều thế hệ. Mà nền móng cơ bản nhất có lẽ bắt nguồn từ vấn đề giáo dục, cải tổ ý thức, duy trì thói quen của mỗi người dân hướng tới bảo vệ môi trường sống toàn diện.
Bình luận (0)