Bạn đọc NGÔ VĂN CƯỜNG: Phải bắt đầu từ giáo dục
Vứt rác bừa bãi là vấn đề được bàn luận nhiều năm nay nhưng vẫn chưa giải quyết được tận gốc. Nguyên nhân thì nhiều song cốt yếu là do giáo dục.
Tôi nhớ ngày còn nhỏ, nhà tôi lúc nào cũng sạch bóng vì bố mẹ rất ghét thói ăn dơ ở bẩn, sinh hoạt bừa bãi. Cái nếp sạch sẽ đó ăn sâu vào ý thức của anh em chúng tôi, không ai nhắc ai đều tự giữ nhà cửa và bản thân sạch sẽ nhất có thể.
Đến khi tôi bước chân vào đại học, vào TP HCM lập nghiệp thì những thói quen đã hình thành từ tấm bé được duy trì như một phản xạ không điều kiện. Thức dậy vệ sinh cá nhân xong là tôi vệ sinh nhà cửa. Tôi sống ở chung cư nên luôn ý thức giữ gìn vệ sinh chung, mình vì mọi người, mọi người sẽ vì mình, điều này giống như là một phản ứng có tính tương hỗ.
Vỉa hè trên đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Kiểng, quận 7, TP HCM) trở thành bãi rác tự phát. Ảnh: THIÊN THẢO
Khi đến cơ quan, việc đầu tiên tôi làm là lau dọn bàn làm việc, quét phòng dù phòng máy lạnh không có bụi. Tôi cũng rất khó chịu chuyện người ta vò giấy vứt bừa bãi nên vẫn thường nhắc nhở nhẹ nhàng đồng nghiệp. Mỗi khi đi chơi ở nơi công cộng, tôi có thói quen thủ sẵn một túi nhỏ để gom rác thải của mình và bạn bè...
Nói những điều này để chứng minh một điều: Giáo dục chính là yếu tố gốc rễ tạo lập nên ý thức, sau đó hình thành thói quen của con người. Những đứa trẻ chỉ nhìn trực diện, khách quan qua hành động của người lớn để học tập và làm theo. Phụ huynh không thể nào dạy được con trẻ bỏ rác đúng chỗ khi đi đường nhận tờ rơi thì vứt ngay xuống, trước mắt con mình; hay thản nhiên ném hộp sữa, ống hút, giấy gói thức ăn... bất kỳ nơi đâu khi đi chơi lễ, dã ngoại.
Để đạt được một xã hội có văn hóa, văn minh, khởi nguồn quan trọng là giáo dục. Hãy đưa câu chuyện rác thải vào giáo dục trong trường học, trong những bữa cơm, những buổi đi chơi hội hè, đặc biệt là qua cách hành xử văn minh của người lớn..., để từ đó hình thành ý thức, hành động và thói quen đúng đắn cho con trẻ.
Bạn đọc THANH HUỲNH: Đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức
Dễ nhận thấy sau các dịp lễ hội, chương trình nghệ thuật ngoài trời, lượng rác thải phát sinh khá lớn, cho dù xung quanh thùng rác được đặt nhiều. Ở một số không gian công cộng khác như trên xe buýt, trong rạp chiếu phim, chuyện vứt thức ăn, nước ngọt thừa, bao ni-lông, kẹo cao su... diễn ra thường xuyên. Chuyện rác không được đổ đúng nơi quy định góp phần gây nên tắc nghẽn đường ống cũng khiến thành phố dễ ngập hơn sau mưa.
Nạn xả rác bừa bãi xuất phát từ nhiều lý do, trong đó không thể không kể đến sự thiếu hiểu biết về môi trường xã hội. Thực tế, nhiều người có thói quen vứt rác ở nơi không phải nhà mình, mặc nhiên nghĩ dọn rác là bổn phận của người khác, môi trường bẩn cũng không ảnh hưởng đến đời sống của mình. Thói quen này bắt nguồn từ sự giáo dục trong gia đình, nhà trường lẫn tính cách cá nhân. Ngoài ra, nhiều người dù có ý thức bảo vệ môi trường nhưng không hề lên tiếng khi chứng kiến hành vi xả rác của người khác. Việc nâng cao ý thức cho trẻ cũng chưa được đề cao.
Do đó, ngoài việc đẩy mạnh các biện pháp, xử phạt nghiêm thì việc tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức cho cộng đồng là hết sức quan trọng. Cần làm sao cho mọi công dân có nhận thức về việc giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng thế hệ tương lai có ý thức tốt. Tại các khu phố, trường học, đơn vị, đoàn thể, việc tổ chức các chương trình dọn dẹp vệ sinh, chủ nhật xanh hoặc chương trình phân loại rác tại nguồn sẽ có ý nghĩa rất tích cực trong việc giúp mọi người thêm ý thức vì không gian chung.
"Khoác áo mới" cho những nơi có nguy cơ hoặc đang là bãi rác tự phát thành bồn hoa, bãi cỏ đẹp mắt với những bức tường được phủ lên hình vẽ sống động, đầy màu sắc cũng góp phần khiến người xả rác chùn tay vì hành vi của mình đi ngược với lối sống văn minh của cộng đồng.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, triển khai việc thiết kế, lắp đặt các hố ga theo kiểu thùng rác, có khay lưới ở dưới. Mỗi khi rác lọt vào đó thì công nhân vệ sinh chỉ cần nâng lên để lấy, không cần phải mò mẫm dưới cống rãnh trong làn nước đen để khơi thông.
Nhiều bạn đọc hiến kế
Diễn đàn "Làm sao trị bệnh vứt rác bừa bãi?" đã nhận được nhiều bình luận, ý kiến tham gia hiến kế của bạn đọc.
Theo bạn đọc Trần Nguyên Ngọc (quận Tân Bình, TP HCM), nhiều dịch vụ kinh doanh thường có chương trình tích điểm, mua hàng càng nhiều thì số điểm tích lũy càng cao. Tùy vào số điểm tích lũy mà được hưởng những ưu đãi khác nhau. Chúng ta nên áp dụng hình thức này đối với trường hợp thu gom rác thải. Khi tích lũy được các hóa đơn thu gom tiền rác, người dân được quy đổi thành quà tặng, mã giảm giá tiền điện, tiền nước hoặc được giảm giá cho các đợt đóng tiền thu gom rác tiếp theo. Việc vứt rác đúng nơi không chỉ là nghĩa vụ mà còn được trực tiếp hưởng lợi thì người dân sẽ hưởng ứng.
Bạn đọc Lưu Vịnh thì cho rằng để thay đổi ý thức của người dân, hiệu quả nhất là áp dụng các biện pháp xử phạt, tương tự việc chế tài người không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn. Ngoài ra, công khai danh tính người vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, buộc người vi phạm khắc phục hậu quả, trong quá trình đó có sự giám sát của báo chí. Biện pháp này đánh vào tâm lý, danh dự của người vi phạm, buộc họ phải điều chỉnh hành vi để không tái diễn.
Trong khi đó, bạn đọc Nguyen góp ý nhân viên thu gom rác nên gửi danh sách các hộ không đóng tiền rác để UBND phường kiểm tra, xác minh; cho người giám sát và xử lý việc xử lý rác thải của những hộ này (nếu vi phạm), nhất là với những hộ kinh doanh quán ăn, hộ xung quanh chợ truyền thống, hộ ven sông...
Với bạn đọc Trần Thái, địa phương nào để xảy ra nạn đổ rác bừa bãi thì kỷ luật người đứng đầu địa phương đó, ắt sẽ giảm ngay nạn đổ rác bừa bãi!Lê Vĩnh
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-3
Bình luận (0)