Sau bài viết "Đừng để di tích thành phế tích" (đăng trên Báo Người Lao Động ngày 23-7), đã có nhiều chuyên gia về văn hóa, di sản phân tích nguyên nhân và nêu ra các giải pháp để bảo tồn di tích.
Trách nhiệm của ai?
Cho rằng tình trạng lấn chiếm, sử dụng sai mục đích các di tích diễn ra phổ biến do người dân vẫn chưa hiểu được hết các giá trị của nó, đại biểu HĐND TP HCM Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc Nhà Xuất bản Tổng hợp TP HCM, xác định trách nhiệm trước tiên thuộc về cá nhân, tổ chức được giao quản lý di tích đã thiếu quyết liệt trước sự xâm phạm. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương không kiểm tra, phát hiện để xử lý kịp thời; cơ quan quản lý nhà nước chưa tuyên truyền, cung cấp kiến thức cho người dân về những giá trị lịch sử, kiến trúc, tâm linh của di tích.
Ngoài ra, Sở Văn hóa - Thể thao TP và phòng văn hóa - thông tin các quận - huyện được giao quản lý di tích nhưng do nhân sự mỏng nên xử lý tình huống còn chậm. Một đơn vị khác nắm khá rõ thực trạng này là Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di tích lịch sử văn hóa TP cũng chưa phát huy hết các giá trị của di tích đã được công nhận.
Còn theo thạc sĩ Lê Văn Thanh Tâm, Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa TP HCM, vấn đề bảo vệ di sản văn hóa của TP phải bắt nguồn từ chính sách quản lý đô thị. Chính sách này nếu được thực thi một cách phù hợp sẽ tạo điều kiện để các địa phương có di sản văn hóa thực hiện lộ trình một cách khoa học để góp phần bảo vệ. Khi con người gắn bó với nơi mình làm ăn sinh sống, không chỉ về kinh tế mà còn bằng tình cảm qua cách sống, cách hành xử văn hóa để hình thành lối sống cộng đồng, tất nhiên sẽ góp phần xây dựng và gìn giữ di sản của TP.
"Tôi nhấn mạnh điều trọng tâm mà hiện nay chưa thực thi nghiêm túc, đó là chủ trương chính sách về bảo tồn di sản văn hóa của nhà nước, của TP không thiếu nhưng việc thực thi chưa tốt. Đầu tiên, ngành văn hóa cần có đầy đủ hồ sơ về những di sản văn hóa đô thị và cung cấp cho các ngành liên quan như kiến trúc, quy hoạch, xây dựng để có thể phối hợp đồng bộ trong công việc.
Ngoài ra, không chỉ các nhà quản lý văn hóa mà chủ đầu tư các công trình xây dựng trong TP cũng cần nắm vững và thực thi đúng Luật Di sản văn hóa. Kế đến là ý thức tự giác bảo vệ di sản văn hóa của cư dân TP. Ý thức này phải xuất phát từ trường học, nơi trực tiếp giáo dục để truyền bá kiến thức và ý thức bảo vệ giá trị của các di sản văn hóa" - ông Tâm nêu ý kiến.
Mỗi ngày, hàng chục xe rác tập kết ngay sát cổng rào Lăng Ông Bà Chiểu (phường 1, quận Bình Thạnh, TP HCM) gây ô nhiễm nghiêm trọng đến di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Ảnh: Sỹ Đông
Xây dựng ký ức của cộng đồng
Từ góc nhìn nhân học, thạc sĩ Bùi Việt Thành, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, phân tích sự hiện đại là một sự tiếp nối truyền thống di sản đô thị bao gồm các di sản vật thể và phi vật thể thể hiện tính lịch sử - văn hóa của một cộng đồng dân cư sống ở đó, luôn chung tay tái tạo tính truyền thống từ đời này sang đời khác, thiết lập một "bản sắc" để nhận biết hay nói cách khác là xây dựng một ký ức tập thể của một xã hội và cộng đồng cho các thế hệ tương lai. Nếu hỏi du khách đến TP HCM nhớ nhất về điều gì, cái gì thì có thể thấy không có chỗ cho các tòa nhà hào nhoáng mà là các di sản vật thể, phi vật thể có tính lịch sử, làm nên "hồn đô thị" của TP.
"Chính quyền cần quan tâm tôn tạo các di tích gắn liền với sự khai phá của cư dân suốt hơn 300 năm qua nhằm tái tạo ký ức cho người dân, kéo họ đến với hệ thống di sản này, hiểu và cùng chung tay phát triển nó, đồng thời phát triển tốt hơn cho du lịch của TP" - ông Thành nói.
Trong khi đó, bà Đinh Thị Thanh Thủy đề xuất TP cần rà soát, đánh giá lại những di tích hiện nay có phù hợp với các tiêu chí của Luật Di sản văn hóa hay không để đưa ra giải pháp phù hợp. "Việc quan trọng là phải làm cho các di tích sống lại chứ không hẳn là tìm cách công nhận di tích rồi bỏ đó" - bà Thủy lưu ý.
Dẫn chứng quán phở Bình trên đường Lý Chính Thắng (quận 3), bà Thủy cho rằng muốn di tích sống được thì phải gắn với các hoạt động của con người. Quán phở này luôn đông khách vì nhiều người muốn thử cảm giác ăn trong căn nhà từng là nơi ẩn mình của lực lượng Biệt động Sài Gòn. "Để khai thác hiệu quả di tích, ngành du lịch cũng nên nghiên cứu đặc trưng của di tích để đưa du khách tới tham quan, tìm hiểu. Đặc biệt, ngành giáo dục và ngành văn hóa cũng cần phối hợp chặt chẽ để tổ chức các buổi học tìm hiểu về các giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của di tích" - bà Thủy đề xuất.
Nhìn ra thế giới: Quyết liệt bảo tồn di tích
Đền Taj Mahal, di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, được xây bằng đá cẩm thạch trắng nhưng đang chuyển màu vì ô nhiễm không khí nặng và sự xâm lấn của các loài côn trùng từ con sông đầy rác gần đó. Ngày 11-7, các thẩm phán Tòa án Tối cao Ấn Độ đưa ra các phương án buộc chính phủ lựa chọn "đóng cửa, phá hủy hoặc phục chế ngôi đền". Trước tình hình trên, chính phủ Ấn Độ thành lập một ủy ban đặc biệt phụ trách việc bảo dưỡng đền Taj Mahal, song song đó giới hạn lượng khách tham quan. Trước đó, trang web của đền này đăng tải lệnh cấm các phương tiện ô nhiễm tiếp cận đền; các nhà máy gây ô nhiễm cũng bị cấm hoạt động trong bán kính khoảng 50 km quanh đền.
Tại Trung Quốc, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã phá hủy nhà máy thủy điện Shengxing hoạt động trái phép đe dọa công trình thủy lợi Dujiangyan, các quan chức liên quan cũng bị kỷ luật. Dujiangyan được xây dựng cách đây khoảng 2.300 năm, là hệ thống tưới tiêu không có đập ngăn nước duy nhất còn sót lại trên thế giới. Đối với những khu vực được bảo tồn như Dujiangyan, các cơ quan cấp tỉnh và quốc gia đều phải được tham vấn trước khi có bất kỳ công trình mới nào được cấp phép. Các công trình xây dựng gần di sản được UNESCO công nhận tại Trung Quốc cũng cần có sự chấp thuận của Ủy ban quốc gia UNESCO Trung Quốc.
Bình luận (0)