Chiều 4-6, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã phát công văn xin thu hồi văn bản của chính bộ này gửi về việc đề nghị xử lý các phát ngôn gay gắt về Sơn Trà của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Trong công văn này, Bộ VH-TT-DL nói lý do thu hồi là do công văn ngày 2-6 "có nội dung chưa phù hợp, dễ gây hiểu lầm"; đồng thời, yêu cầu Tổng cục Du lịch làm rõ trách nhiệm quá trình tham mưu ban hành văn bản trên và báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 5-6.
Công văn này khiến dư luận ngỡ ngàng, không biết có sự nhầm lẫn gì không vì trước đó 2 ngày, người ký công văn này, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng chính là người đã ký công văn gửi Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đề nghị xử lý phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh; yêu cầu có văn bản giải trình vì cho rằng ý kiến phát biểu của ông Vinh tại tọa đàm là thiếu chính xác, chủ quan, thiếu cơ sở và làm dư luận hiểu sai vấn đề.
Bạn đọc Ngọc Long bức xúc: "Cần phải làm rõ sự chủ quan là do không đọc, nhắm mắt ký. Không lẽ... xúc phạm người ta rồi nói câu xin lỗi tưng tửng là xong sao? Không lẽ cứ là cấp trên thì... ký rồi lại bắt cấp dưới giải trình là xong lỗi của mình?".
Đồng quan điểm, nhiều bạn đọc nghi vấn có lẽ văn bản vừa ký xong bị dư luận phản ứng quá nên vội vàng ra lệnh thu hồi? "Một công dân bình thường còn phải chịu trách nhiệm với chữ ký của mình huống hồ là làm lãnh đạo, chữ ký nặng tựa ngàn cân. Ký thì phải nắm rất rõ nội dung mình ký, không thể vừa ký xong lại thu hồi rồi yêu cầu cấp dưới kiểm điểm trách nhiệm tham mưu còn mình ký tầm bậy thì không chịu trách nhiệm. Làm thứ trưởng… sướng thật!"- bạn đọc Huỳnh Thắng mỉa mai. Bạn đọc Đỗ Văn Khả nói thẳng: "Thật nực cười và vô cùng thất vọng. Thế này thì đất nước làm sao phát triển? Hỡi các nhà lãnh đạo đất nước hãy quan tâm công tác cán bộ". Còn bạn đọc Nguyễn Quốc Tiến đề nghị: "Sai thì nên xin từ chức hoặc tự đứng ra xin lỗi mọi người, đừng đổ lỗi cho cấp dưới. Thế cấp dưới bảo gì ông cũng ký à?".
Nhiều bạn đọc cho rằng tổ chức hội thảo, tọa đàm là để lắng nghe, tìm hướng đi đúng. Những ý kiến, quan điểm trái ngược nhau sẽ cho thấy nhiều khía cạnh của vấn đề, từ đó nhà quản lý sẽ có chính sách phù hợp. Hà cớ gì lại đòi xử lý người phát biểu trái ý? Nếu vậy, còn ai dám phát biểu? "Những vụ lùm xùm gần đây liên quan đến Bộ VH-TT-DL đã khiến người dân quá ngán ngẩm, lẽ nào Bộ không rút kinh nghiệm trong việc cẩn trọng hơn trong phát ngôn, ban hành văn bản? Phản biện là điều rất cần thiết để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Không thể có kiểu phát biểu trái ý thì ban hành ngay văn bản đòi kỷ luật, nghĩ lại thấy sai liền thu hồi. Xử lý bất nhất, lạm quyền như vậy đủ thấy tâm và tầm của cán bộ như thế nào rồi. Chắc phải yêu cầu thôi chức như với ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn"- bạn đọc Mỹ Ngọc nêu ý kiến.
Bình luận (0)