Cụ thể, sau 1 tháng 8 ngày gửi tiền xây nhà cho người nghèo ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và TP Châu Đốc, tỉnh An Giang - mỗi nơi 106 triệu đồng, ông Đoàn Ngọc Hải đã lên tiếng đòi lại trên Facebook cá nhân. Lý do, theo ông Hải, trong khi 5 địa phương khác đã thực hiện đúng tiến độ cam kết thì Nam Trà My và Châu Đốc lại không có phản hồi, dù ông đã nhiều lần lên mạng nhắc nhở.
Làm theo nguyện vọng người hỗ trợ
Phản hồi qua Báo Người Lao Động, lãnh đạo huyện Nam Trà My cho biết địa phương này đã "gửi vào quỹ của Ban Cứu trợ Nam Trà My; huyện đã và đang phân bổ cho các hộ dân bị thiệt hại nhà cửa với kinh phí mỗi hộ 40 triệu đồng/ngôi nhà theo quy định". Trong khi đó, Châu Đốc khẳng định đã "hòa vào nguồn tiền vận động hằng năm để lên kế hoạch cất nhà cho những hoàn cảnh khó khăn".
Liên quan đến việc đòi tiền của ông Đoàn Ngọc Hải, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nêu quan điểm: "Nếu địa phương sai thì xin lỗi, nghiêm túc rút kinh nghiệm; còn không sai, không vi phạm cam kết thì xin ý kiến bà con để trả lại, không chấp nhận việc lợi dụng hoạt động từ thiện để xây dựng hình ảnh cá nhân. Một đồng cũng quý, lời thăm hỏi động viên cũng rất quý nhưng không lấy đau khổ của nhân dân để làm cơ hội gắn với lợi ích riêng của mình dưới mọi hình thức".
Theo dõi diễn biến sự việc, nhiều bạn đọc tỏ ra băn khoăn với lý giải của địa phương, cho rằng những nơi này còn có thói quen chần chừ, không quyết đoán, chưa đưa lợi ích người dân lên trên. Theo bạn đọc Nguyễn Tuấn, "tiền của người ta hỗ trợ thì làm luôn cho người nghèo cái nhà để họ ở. Đằng này cứ để từ từ kiểu "dân có cần nhưng quan không vội" thì khó thể chấp nhận".
Bạn đọc Lê Hoàng thì thắc mắc tiền được chuyển hơn 1 tháng nhưng chưa làm nhà, vậy địa phương không còn hộ nghèo? Nếu vậy thì nên trả lại vì nơi khác cần hơn. Bạn đọc Nguyên Viên bày tỏ: "Nhận được tiền thì phải có xác nhận rõ ràng với người hỗ trợ về kế hoạch sử dụng và thời gian tiến hành để người ta biết. Thử làm việc với các tổ chức từ thiện quốc tế xem họ làm thế nào. Tôi gửi họ có vài đồng mà họ còn gửi mail xác nhận nêu rõ tiền này sử dụng mua gì, làm gì, cho ai, khi nào; rồi họ mail thông báo khi việc hoàn tất, chưa kể những mail thông tin khác. Tất cả đều cho thấy sự rõ ràng, minh bạch trong việc sử dụng tiền quyên góp của nhà hảo tâm. Có như vậy người ta mới an tâm tiếp tục ủng hộ".
Theo bạn đọc Phạm Công Gia, lời giải thích của lãnh đạo 2 địa phương trên "nghe cũng hợp lý" nhưng mỗi nhà tài trợ luôn có những đề nghị khác nhau, tài trợ cho việc nào là phải thực hiện theo việc đó. Nếu muốn thay đổi thì phải có ý kiến trao đổi với nhà tài trợ, khi nào được chấp thuận thì thực hiện, không thể nào lấy tiền tài trợ xây nhà đem xây cầu dân sinh, hoặc thực hiện mục đích khác theo ý của địa phương.
Nhiều tổ chức, cá nhân đã giúp đỡ đồng bào miền Trung trong trận bão lũ tháng 10-2020 Ảnh: QUANG LUẬT
Phải theo hệ thống và quy trình
Trong khi đó, nhiều bạn đọc lại nhận định sự cân nhắc, thận trọng của 2 địa phương nêu trên là thỏa đáng. Bởi lẽ, làm từ thiện cũng cần phải tuân thủ quy trình chặt chẽ để tránh "nước chảy về chỗ trũng" hoặc chỉ một chút sơ sẩy cũng khiến tình làng nghĩa xóm sứt mẻ.
Bạn đọc Trương Quang Hiên cho biết: "Tôi đồng tình với ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Các huyện của Quảng Nam bị thiên tai tàn phá về người, về của nặng nề. Đảng, Nhà nước và các nhà hảo tâm đã cùng vào cuộc ổn định cuộc sống của người dân. Tôi cũng mong mọi việc minh bạch, công khai để tránh hiểu nhầm, gây nên tai tiếng, ảnh hưởng đến đến sự đóng góp của xã hội. Ông Hải làm từ thiện là tốt nhưng cũng đừng nên quá đà khi đăng tải thông tin "đòi lại" tiền".
Không đồng tình với cách xử lý của ông Đoàn Ngọc Hải, bạn đọc Văn Vượng Phạm viết: "Trong câu chuyện này, tôi thấy ông Hải hơi quá đáng. Nếu ông chỉ định là phải xây cho 2 hộ gia đình thì cần có yêu cầu và cam kết trước. Lẽ ra, ông nên gọi một cuộc điện thoại cho 2 địa phương này để hỏi và yêu cầu thì sẽ rõ. Còn bây giờ, ông đưa lên Facebook để làm mất uy tín chính quyền địa phương là không được".
Bạn đọc Khánh Đan bày tỏ quan điểm: "Khi làm nhà tình nghĩa thì phải có quy trình để bảo đảm sự công bằng. Tôi rất đồng tình với phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Theo tôi, tỉnh nên trả tiền lại cho ông Hải. Không thể nào đóng góp rồi yêu cầu cả hệ thống phải theo một cá nhân".
Mời tham gia diễn đàn
Câu chuyện "Làm từ thiện sao cho đúng?" lại được bàn đến khi một lần nữa, hoạt động từ thiện tự phát, cụ thể là trường hợp của ông Đoàn Ngọc Hải, làm dậy sóng dư luận. Trong câu chuyện này, có thể thấy cả địa phương và nhà hảo tâm đều có chung mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, do ý chí và cách làm các bên khác nhau nên đã dẫn đến nhiều tranh cãi.
Báo Người Lao Động mở diễn đàn về chuyện này, mời bạn đọc tham gia nhằm tìm ra cách làm từ thiện hợp lý, giúp được người đang cần nhưng đúng luật và nhất là không đem lại chuyện phiền toái, rắc rối cho người nhận lẫn địa phương.
Bài viết xin gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.
Trân trọng.
Ngày 13-4, ông Lâm Quang Thi - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Châu Đốc (tỉnh An Giang) - cho biết đã chỉ đạo đơn vị tiếp nhận tiền hỗ trợ xây nhà cho người nghèo ở địa phương trả lại số tiền 106 triệu đồng do ông Đoàn Ngọc Hải vận động từ các nhà hảo tâm.
Trước đó, sáng 12-4, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), cho biết huyện Nam Trà My sẽ tiếp tục triển khai xây dựng nhà tình thương cho người dân từ số tiền 106 triệu đồng mà ông Đoàn Ngọc Hải đã chuyển cho huyện.
T.Nốt-T. Thường
Bình luận (0)