xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm từ thiện sao cho đúng?: Phải có cái tâm trong sáng

Ý Linh - Lê Phong ghi

Đứng ở vai trò người đóng góp từ thiện, đừng quá tính toán, khắt khe; đừng vội vàng chê bai, nghi kỵ

Bạn đọc Thanh Vân:

Rộng tiền, rộng cả tấm lòng

Tôi thấy làm từ thiện trước hết không chỉ cần rộng rãi tiền bạc mà còn phải rộng cả tấm lòng. Ngày nay, việc làm từ thiện được thực hiện bởi nhiều tổ chức, cá nhân... nên tính "cạnh tranh" cũng cao và cách làm cũng phải theo kịp với xu thế cuộc sống.

Tôi biết một người là chủ doanh nghiệp mở quán cơm từ thiện khá bề thế nhưng tồn tại không được 1 năm vì thiếu kinh phí. Nhiều người bảo thất bại là do thay vì để bảng cơm từ thiện miễn phí hoặc cơm 2.000 đồng, 5.000 đồng thì anh lại "đánh đố" mọi người với dòng chữ "Cơm từ thiện đóng góp tùy hỷ". Tùy hỷ là bao nhiêu; bao nhiêu là vừa với người có tiền lẫn người nghèo? Rõ ràng dòng chữ đó khiến người nghèo ngại đến, còn người có tiền muốn đóng góp cũng đắn đo.

Trong khi đó, điểm phát cơm từ thiện của một cô giáo về hưu lại bền vững gần 10 năm qua. Cứ mỗi sáng chủ nhật, cô kê bàn để 100 hộp cơm trước sân nhà. Có người hỏi cô nghĩ sao khi người đến lấy cơm có dáng vẻ là người khá giả? Cô bảo mình không quan tâm chuyện đó, đã cho thì ai lấy cũng được. Việc của cô là làm tốt sứ mạng "cho đi" mà nhiều người tin tưởng giao phó.

Tất nhiên, làm từ thiện còn phải có lòng tin nữa. Đã có những vụ việc gian dối, ăn chặn tiền cứu trợ, từ thiện... nhưng tôi nghĩ đó là chuyện ngoại lệ, rất hiếm, còn hầu hết đều làm tốt hoặc chưa được tốt mà thôi. Đứng ở vai trò người đóng góp từ thiện, đừng quá tính toán, khắt khe; đừng vội vàng chê bai, nghi kỵ.

Tôi không thích chuyện ông Đoàn Ngọc Hải đưa thông tin lên Facebook nhưng rất thông cảm vì chuyện ông có trách nhiệm với các đơn vị, cá nhân tài trợ, cũng như không thể viện cớ này nọ như các tổ chức, chính quyền địa phương. Thiết nghĩ, phía chính quyền địa phương cũng nên xem lại cách làm của mình, có chậm chạp quá chăng?

Tôi nhớ có lần đi cùng người bạn đến một cơ sở trợ giúp xã hội của nhà nước để ủng hộ tiền. Tiếp chúng tôi chỉ có anh bảo vệ, anh bảo: "Chiều lại nhé". Chiều đến thì người tiếp nhận bảo thư ký đi đâu rồi, không có người ra biên nhận. Tôi thấy chán nản quá khi người tiếp nhận chẳng chút mặn mà.

Người ta nói của cho không bằng cách cho, có lẽ của nhận cũng không bằng cách nhận!


Làm từ thiện sao cho đúng?: Phải có cái tâm trong sáng - Ảnh 1.

Nhóm thiện nguyện Hạnh phúc sẻ chia tặng sách cho thư viện Trường Tiểu học Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) Ảnh: Hạnh Thuần

Bạn đọc Hạnh Thuần:

Cần thực hiện có kế hoạch, bài bản

Chúng tôi là một nhóm nhỏ tại TP Nha Trang, gồm phần lớn là những người đã nghỉ hưu, thường xuyên thực hiện những việc thiện nguyện từ 10 năm trở lại đây…

Ngoài việc kêu gọi sự tài trợ của các nhà hảo tâm, tất cả thành viên trong nhóm đều chung tay đóng góp sức người, sức của vào những chuyến đi từ thiện đến các địa phương thuộc địa bàn Khánh Hòa. Nhìn chung, những chuyến đi của chúng tôi đều gặt hái thành công tốt đẹp.

Theo tôi, dù việc lớn hay việc nhỏ, chúng ta đều cần thực hiện có kế hoạch, bài bản và quan trọng là phải mang tính thiết thực. Chẳng hạn, khi muốn giúp đồng bào huyện miền núi Khánh Sơn có nước sạch để dùng, chúng tôi phải liên lạc với người dân tại địa phương (tốt nhất là người có uy tín, nắm rõ hoàn cảnh gia đình của đồng bào trên đó) để nhờ họ điều nghiên địa hình đào giếng. Kế đến, phải chọn những nơi đông dân cư nhất để dành thứ tự ưu tiên thực hiện (nếu có điều kiện đào vài giếng nước)… Còn đối với huyện miền núi Khánh Vĩnh và các xã của thị xã Ninh Hòa, ngoài việc đem tiền bạc, thực phẩm (gạo, mì, bánh kẹo, sữa tươi…) cho bà con nghèo, chúng tôi còn tặng quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Để nắm rõ nhu cầu thiết yếu của các em trong mỗi thời điểm đến thăm, chúng tôi luôn tìm cách liên lạc với ban giám hiệu mỗi trường. Từ đó, khi thì chúng tôi tặng đồ dùng học tập, đồng phục đi học - đồng phục thể thao, áo khoác, sách cho thư viện; khi thì tặng xe đạp cho các em phải đi học xa nhà…

Với những chuyến đi từ thiện đạt kết quả tốt đẹp nhờ kế hoạch rõ ràng, tài chính minh bạch, chúng tôi đã và đang tiếp tục nhận được sự tán thành, tiếp tục ủng hộ của bạn bè gần xa, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.

Bạn đọc Huỳnh Lê Diễm Kiều:

Nghĩ đến cán bộ địa phương

Làm từ thiện, kịp thời giúp đỡ những người khó khăn là điều rất cần thiết nhưng từ thiện tự phát thường đi liền với cảm tính, khó tránh khỏi sơ sót. Khi những món quà từ thiện không đến đúng đối tượng cần thì nguy cơ gây mất đoàn kết trong cộng đồng, tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng, công kích, xuyên tạc là rất lớn. Người đến cho thì dễ nhưng người chịu trách nhiệm, giải quyết những hệ lụy phát sinh, mà cụ thể là chính quyền địa phương, mới khó.

Chính vì vậy, các hoạt động từ thiện, đặc biệt là từ thiện tự phát, cần có sự chấn chỉnh, có cơ chế giám sát chặt chẽ, đúng pháp luật. Tổ chức hay cá nhân làm từ thiện cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xác định chính xác những trường hợp đủ tiêu chuẩn, đối tượng được ưu tiên nhận giúp đỡ.

Mặt khác, bản thân mỗi người làm từ thiện cũng phải tự ý thức, từ thiện là chuyện từ tâm, làm từ thiện phải có cái tâm trong sáng, không làm từ thiện để thực hiện ý đồ cá nhân, không mượn việc làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi. Nhất là khi ngày càng có nhiều nhân vật nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng dư luận tham gia làm từ thiện. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi những ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng là điều đã ghi nhận được. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đã xuất hiện một số trường hợp lợi dụng từ thiện để thực hiện mục đích cá nhân không trong sáng, thậm chí tiêu cực, phản cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Phải tạo đồng thuận trong dân

Ông Phạm Văn Gôm, Chủ tịch UBND xã An Bình Tây (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), cho biết hằng năm, có nhiều đoàn từ thiện từ TP HCM đến hỗ trợ bà con nghèo. Không phải năm nào số tiền và vật phẩm nhà hảo tâm đóng góp cũng như nhau. Có thời điểm phần quà rất nhiều nhưng có lúc rất ít. Để lập ra danh sách hỗ trợ là việc rất đau đầu. Muốn có được danh sách đúng, cần phải tổ chức lấy ý kiến thôn, ấp. Người dân sẽ lựa chọn hoàn cảnh nào ưu tiên. Việc này đôi khi khiến các nhà hảo tâm cho rằng địa phương cứng nhắc, luôn muốn "đúng quy trình". Tuy nhiên, cách làm này giúp cho bà con không còn phân bì.

"Có một đoàn từ thiện ở quận 5, TP HCM năm 2020 được mạnh thường quân ủng hộ 100 phần gạo nhưng năm sau, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chỉ còn 70 phần. Chúng tôi phải vận động và lần nữa lấy ý kiến từ người dân. Đó là cái khó của địa phương để tạo đồng thuận trong dân" - ông Phạm Văn Gôm bày tỏ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo