Một trong những nội dung được đông đảo dư luận, người dân quan tâm là việc nghiên cứu thí điểm cho phép cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) làm việc ở một số vị trí không tiếp xúc với công dân có thể đăng ký làm việc tại nhà với tỉ lệ phù hợp.
Trong thực tế, việc đăng ký hay xin phép làm việc tại nhà hiện nay ở một số doanh nghiệp đối với một số vị trí, chức danh diễn ra khá phổ biến và có hiệu quả. Trong khi đó, CB-CC-VC nhà nước đăng ký làm việc tại nhà là do thủ trưởng đơn vị "linh động", "thông cảm", chưa có quy định pháp lý cụ thể nào cho phép. Bởi về mặt nguyên tắc của công sở trong các cơ quan nhà nước và các quy định hiện hành, CB-CC-VC phải đến cơ quan, công sở trực tiếp làm việc.
Trong đợt đại dịch COVID-19 bùng phát, tại nhiều địa phương, một số cơ quan, ban ngành nhà nước đã có chủ trương và linh động cho CB-CC-VC làm việc tại nhà và làm việc qua phần mềm điện tử. Trong khoảng thời gian đó, nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã gửi hồ sơ và làm thủ tục hoàn toàn qua phần mềm điện tử, rất thuận tiện và hiệu quả.
Việc thí điểm cho phép CB-CC-VC có thể đăng ký làm việc tại nhà đối với một số cơ quan, ban ngành nhà nước, các đơn vị hành chính như đề án là phù hợp và cần thiết, khi hầu hết công việc thuần túy, thủ tục, hồ sơ đều được giải quyết thông qua các phần mềm điện tử, giao dịch qua đường bưu điện.
Đối với một số chức danh, vị trí nhất định, nếu được cho phép và bố trí làm việc tại nhà sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc nhũng nhiễu, tiêu cực so với tiếp xúc trực tiếp để giải quyết hồ sơ; giảm bớt một phần áp lực cho cán bộ khi làm việc trực tiếp tại cơ quan; giảm áp lực giao thông do quá tải phương tiện cá nhân; giảm ô nhiễm môi trường bởi khói bụi; giảm chi phí mua sắm trang thiết bị, quá tải về chỗ ngồi làm việc…
Để biến ý tưởng, đề án "cán bộ ngồi nhà" làm việc và để CB-CC-VC khi được bố trí, cho phép làm việc ở nhà có hiệu quả, trước mắt vẫn cần cân nhắc, nên thí điểm ở những bộ phận, vị trí nhất định. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần ban hành những quy chế, quy định cụ thể, kèm theo đó là các biện pháp chế tài nếu CB-CC-VC vi phạm quy chế làm việc hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
Việc giám sát trách nhiệm và thực hiện công việc hằng ngày đối với CB-CC-VC khi "ngồi nhà làm việc" phải hết sức chặt chẽ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả. Có thể giám sát và yêu cầu CB-CC-VC báo cáo kết quả hoàn thành công việc, nhiệm vụ cụ thể hằng ngày qua điện thoại, Zalo, Facebook và các phương tiện khác; những vướng mắc, tồn tại chưa thể giải quyết, xử lý trong ngày vì lý do khách quan, chủ quan... Có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với CB-CC-VC "ngồi nhà làm việc" không hoàn thành nhiệm vụ vì lý do chủ quan hoặc có tiêu cực.
Bình luận (0)