Giai đoạn 2021-2025, TP HCM dự kiến phát triển khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 35.000 căn nhà. Đây là một trong những nội dung tại Quyết định Phê duyệt chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021 - 2030. Để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện nhiều giải pháp.
Cải thiện chính sách, pháp luật
Trước hết, phải hoàn thiện, đồng bộ quy định Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Đầu tư phù hợp quốc tế và cam kết thương mại trên cơ sở đặc thù địa phương. Quy định rõ trách nhiệm đối với từng chủ thể: quỹ đất, vốn, tài chính, đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng, đối tượng thụ hưởng; quy trình lựa chọn nhà đầu tư; hạ tầng bên trong khu nhà ở. Có thể xây dựng quy định pháp luật riêng về nhà ở xã hội; hỗ trợ tiền thuê nhà; cho vay ưu đãi; nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch, quỹ đất liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở phối hợp chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu nhà ở, hỗ trợ tư vấn, thông tin, bảo đảm người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Phối hợp chính quyền rà soát khu công nghiệp, khu nhà thương mại chưa dành quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội để cân đối và bố trí nguồn vốn, xây dựng nhà ở xã hội theo Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Phiên bản thử nghiệm Bản đồ số về các dự án kêu gọi đầu tư vào TP Đà Nẵng (VR360investDaNang) trên nền tảng thực tế ảo tại địa chỉ https://vr360.com.vn/projects/xuc-tien-dau-tu/ (Nguồn: Cổng Thông tin điện tử TP Đà Nẵng)
Với chủ đầu tư, cần có chính sách ưu đãi đối với dự án cải tạo chung cư cũ, nhà trọ chất lượng thấp thành chung cư hiện đại, bảo đảm an toàn; vận dụng mô hình "Cộng đồng các hộ dân liên kết thực hiện" như Singapore và Hàn Quốc. Cho hưởng chính sách ưu đãi, áp dụng mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội để chủ đầu tư có thể cho thuê, cho thuê dài hạn, bán cho người lao động có nhu cầu với giá ưu đãi.
TP HCM cũng nên có chủ trương tổ chức các cuộc thi trực tuyến về thiết kế nhà mẫu để trưng cầu ý kiến, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ mới trong đầu tư, xây dựng nhằm giảm giá thành, thời gian, chi phí thi công, tích hợp các điều kiện hạ tầng hiện đại, đồng bộ và dịch vụ thiết yếu tại đô thị và khu công nghiệp, khu chế xuất.
Thu hút đầu tư nước ngoài
Chủ động thu hút vốn, nâng cao năng lực doanh nghiệp địa phương, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chuẩn bị gói ưu đãi đàm phán với nhà đầu tư chiến lược về sản xuất, hoàn thiện cơ sở hạ tầng: đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; miễn thuế dài thời hạn, miễn thuế nhập khẩu thiết bị, vật tư xây dựng.
Tiếp tục thu hút, đẩy mạnh đàm phán, ký kết thỏa thuận, thu hút đầu tư nước ngoài tương tự như dự án hợp tác với KOICA Hàn Quốc về chính sách tổng thể nhà ở xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; dự án của JICA Nhật Bản về lĩnh vực tư nhân, phát triển đô thị vùng…
Để xác định chính xác nhu cầu của người dân về nhà ở, TP HCM có thể học hỏi cách làm của TP Đà Nẵng trong triển khai thực hiện khảo sát trên toàn địa bàn. Trên cơ sở Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia của Thủ tướng Chính phủ;
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030…, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã giao cho UBND các phường, xã triển khai đến từng hộ gia đình để khảo sát qua nhiều cách thức thuận tiện như truy cập đường link https://forms.gle/JVfDF48bZiQhDeJV8 hoặc quét mã QR trên điện thoại, bên cạnh cách thức truyền thống là điền trực tiếp vào phiếu khảo sát, đối với 3 nhóm đối tượng chính:
Nhóm người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định pháp luật.
Đặc biệt là việc ứng dụng bản đồ số để đầu tư và tra cứu. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng phiên bản thử nghiệm "Bản đồ số về các dự án kêu gọi đầu tư vào thành phố" trên nền tảng thực tế ảo tại địa chỉ: https://vr360.com.vn/projects/xuc-tien-dau-tu/ và Cổng Thông tin đất đai: https://ttdd.tnmt.danang.gov.vn/.
Đây là thử nghiệm tích hợp thông tin chi tiết, hình ảnh thực tế của các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư nhằm quảng bá, giới thiệu môi trường, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể hình dung và tìm hiểu thông tin.
Kiểm tra, giám sát, khen thưởng, chế tài
Rà soát quỹ đất và đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn sẽ hiệu quả khi chính quyền tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản, xác định giá bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, bảo đảm đúng đối tượng được hưởng, không để xảy ra tình trạng sốt giá bất động sản, phân lô bán nền tại khu vực thiếu hạ tầng và chưa được phép đầu tư.
Đồng thời, có chính sách khen thưởng kịp thời, thường xuyên đối với tổ chức, cá nhân có đóng góp hiệu quả trong công tác đầu tư, xây dựng và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Bình luận (0)