TP HCM hiện có khoảng 280.000 doanh nghiệp và 460.000 cơ sở sản xuất - kinh doanh đang hoạt động, sử dụng hơn 4,7 triệu lao động. Để hỗ trợ người lao động an cư, TP HCM đã triển khai chính sách nhà ở xã hội.
Đáp ứng hơn 11% nhu cầu
Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng trong giai đoạn 2015-2020, TP HCM mới thực hiện được 15.000 căn hộ thuộc chương trình nhà ở xã hội. Sự phát triển nhà ở tại TP HCM nói riêng và cả nước nói chung cho thấy cơ cấu sản phẩm này biểu hiện rõ nét tình trạng lệch pha cung - cầu, thị trường bất động sản phát triển thiếu cân đối, thiếu loại nhà ở vừa túi tiền và thừa nhà ở cao cấp.
Từ năm 2018 đến nay, tình trạng lệch pha cung - cầu trong thị trường bất động sản tại TP HCM ngày càng rõ nét. Đặc biệt, từ năm 2020, sự thiếu hụt căn hộ bình dân tiếp tục kéo dài khi chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở đưa ra thị trường. Đến năm 2021, trong tổng số 14.443 căn hộ bán ra đã không còn căn hộ bình dân mà có đến 10.404 căn hộ cao cấp, hạng sang, siêu sang (chiếm khoảng 74%), còn lại là nhà ở trung cấp (chiếm 26%).
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nhu cầu nhà ở xã hội của người dân trên địa bàn TP HCM trong giai đoạn 2011-2020 là khoảng 134.000 căn nhưng đến năm 2022 chỉ mới hoàn thành 14 dự án với khoảng 15.000 căn. Nghĩa là nhà ở xã hội chỉ mới đáp ứng được hơn 11% nhu cầu thực tế.
Nhà ở xã hội tại dự án Carillon Aparment trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trong khi đó, quy định dành 20% quỹ đất trong dự án thương mại để làm nhà ở xã hội còn nhiều bất cập. Quỹ đất 20% ở các quận trung tâm khác rất xa với khu ngoại thành nên không thể đánh đồng về giá trị. Bên cạnh đó, nhu cầu sống của người dân trong khu nhà ở xã hội cũng khác với người mua nhà ở thương mại.
TP HCM đã liên tục kêu gọi, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội. Song, thực tế là không mấy doanh nghiệp mặn mà với phân khúc này.
Trong khi đó, các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 kết nối TP HCM với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ sẽ thúc đẩy những dự án nhà ở xã hội phát triển bởi việc kết nối thuận tiện. Các tuyến đường này là cơ hội để hiện thực hóa sở hữu nhà ở xã hội của người dân và cũng là điều kiện để giảm bớt áp lực cho vấn đề nhà ở xã hội trong khu vực.
Đấu giá đất từ các dự án đường vành đai
Dự án Vành đai 3, Vành đai 4 kết nối TP HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh... sẽ giúp khoảng cách di chuyển giữa các địa phương được thu hẹp. Nhà ở xã hội xây dựng ở các tỉnh lân cận sẽ được bán giá thấp hơn so với TP HCM.
Ngoài ra, các phương tiện vận chuyển tốc độ cao, nhanh chóng sẽ giúp người dân sinh sống ở trong vùng có thể đến TP HCM làm việc một cách thuận lợi. Khi khoảng cách không còn là vấn đề phải cân nhắc trong việc lựa chọn nơi cư trú thì việc chuyển nhà ở từ TP HCM ra các tỉnh trong vùng là xu hướng tất yếu.
TP HCM nên định hướng phát triển nhà ở xã hội không chỉ dựa trên quy hoạch giao thông mà còn phải dựa trên quy hoạch xây dựng để hình thành nên các khu đô thị vệ tinh phù hợp với quy hoạch xây dựng. Cụ thể, khi tuyến đường Vành đai 3 hoàn thiện có thể giúp hình thành các khu đô thị vệ tinh đã được xác định trong quy hoạch xây dựng TP HCM và quy hoạch vùng, như: Nhơn Trạch (Đồng Nai), TP Thuận An (Bình Dương), Tây Bắc Củ Chi (TP HCM), khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An)…
Hiện nay quỹ đất của TP HCM ngày càng hạn hẹp, trong khi đất đai ở các tỉnh lân cận còn khá nhiều. Chính vì vậy, liên kết vùng khi đường Vành đai 3 hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho TP HCM giải quyết bài toán thiếu đất làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc này phải được tính toán sớm, ngay từ khi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 được triển khai.
Bên cạnh đó, cần có phương án thu hồi, đấu giá một phần đất thuộc dự án đường Vành đai 3 đi qua TP HCM để tạo nguồn lực cho tái đầu tư phát triển. Hiện có khoảng 2.000 ha đất lân cận, liền kề với tuyến đường Vành đai 3. Khu vực này chủ yếu là đất nông nghiệp, rất ít nhà ở.
Khi TP HCM phát triển nhà ở xã hội dọc theo các đường vành đai sẽ bảo đảm khả năng kết nối tốt với các khu đô thị cũng như các tỉnh lân cận, qua đó làm tăng tính hấp dẫn của nhà ở xã hội với khách hàng. Tuy nhiên, để không phát triển manh mún, "bám" theo đường tràn lan như nhiều khu dân cư hiện nay, TP HCM cần lập quy hoạch tổng thể cho nhà ở xã hội, cập nhật vào quy hoạch phát triển thành phố và vùng. Trong đó, thể hiện chính xác về vị trí, quy mô, các tiện ích và khả năng kết nối của nhà ở xã hội với các khu vực xung quanh. Đây vừa là thông tin đầu vào để các doanh nghiệp bất động sản cân nhắc lựa chọn dự án để đầu tư vừa là cơ sở để các cơ quan chức năng quản lý dự án theo đúng định hướng thành phố đã đề ra.
Như vậy, để khai thác quỹ đất làm nhà ở xã hội hiệu quả, cần phải làm tốt giao thông kết nối. Đặc biệt, các phương tiện vận chuyển lớn như hệ thống đường sắt, xe buýt nhanh BRT là cơ sở để phát triển mô hình TOD (phát triển đô thị với giao thông công cộng).
Bình luận (0)