Gần 20 năm trước, nhận thấy tầm quan trọng phát triển khu vực Tây Bắc (2 huyện Củ Chi, Hóc Môn) TP HCM và vùng lân cận, TP HCM đã thành lập một đơn vị chuyên môn làm đầu mối để phối hợp thực hiện là Ban Quản lý Đầu tư xây dựng khu đô thị Tây Bắc. Thời gian đầu, có nhiều nhà đầu tư tìm đến, một số dự án được cấp phép nhưng sau đó, lần lượt các nhà đầu tư rút đi hoặc giảm quy mô đầu tư, thậm chí xin trả lại dự án.
Nhiều tiềm năng
Hiện từ trung tâm TP HCM muốn đến khu vực Tây Bắc gần như chỉ có Quốc lộ 22 nhưng đã quá tải phương tiện, thường xuyên xảy ra kẹt xe, nhất là trong giờ cao điểm. Tuyến Metro số 2 từ trung tâm TP HCM đến huyện Hóc Môn, kết thúc tại huyện Củ Chi dù đang được triển khai giải phóng mặt bằng nhưng có lẽ phải mất thời gian khá lâu mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Hơn nữa, chỉ hệ thống giao thông công cộng này cũng không đủ khả năng thu hút đầu tư, đánh thức các vùng đất phía Tây Bắc lớn rộng hơn 600 km2.
Những năm qua, TP HCM tập trung phát triển khu Nam và khu Đông với hàng loạt công trình hạ tầng được triển khai, thuận lợi giao thông đã giúp các vùng đất này thay đổi ngoạn mục. Nhiều nhà đầu tư lớn tìm đến làm dự án, sau đó lan tỏa ra khu vực lân cận.
TP HCM có diện tích hơn 2.100 km2 nhưng phân bố dân cư chưa phù hợp, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, như: quận 1, 3, 5, 10, sau đó giãn dân ra khu Nam và khu Đông. Các khu vực này đang dày đặc các dự án bất động sản, nhà cao tầng, trung tâm thương mại. Dễ thấy nhất là những dự án bất động sản tăng số tầng cùng với diện tích sàn, mật độ xây dựng và giảm diện tích công viên, mảng xanh, nơi sinh hoạt chung, thậm chí là giảm bề rộng hành lang và lối đi giữa các căn hộ.
Trong khi vùng đất khá rộng lớn phía Tây Bắc chưa được khai thác đúng mức. Huyện Củ Chi có diện tích gần 500 km2, bằng 1/4 tổng diện tích thành phố nhưng dân số chỉ chừng 450.000 người (khoảng 3 phường trong nội thành). Đây còn là vùng đất có tiềm năng lớn, địa hình cao ráo thuận lợi cho thoát nước đô thị không gây ngập úng, thích hợp phát triển đô thị… Giá đất ở đây rẻ hơn nhiều so với nội thành, khu Nam, khu Đông.
Mới đây, UBND huyện Củ Chi cũng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các ngành nghề để chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp có diện tích tới 17.000 ha. Đồng thời, kêu gọi phát triển 1 cảng phục vụ nông nghiệp và 3 - 4 cảng phục vụ du lịch sinh thái đô thị, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn… Ngoài ra, còn kêu gọi đầu tư vào quỹ đất đan xen trong khu đô thị Tây Bắc có diện tích khoảng 2.500 ha.
Phần lớn diện tích thành phố có khu vực thấp mà vùng trũng lại là khu Nam, khu Đông thuộc địa bàn các quận 7, 8 và huyện Nhà Bè, Cần Giờ, TP Thủ Đức. Trong đó, nhiều nơi trước đây được cho là không gian dẫn nước cho khu vực trung tâm và vùng lân cận, sau khi đô thị hóa san lấp mặt bằng đã thu hẹp địa hình thoát nước tự nhiên cho thành phố.
Vùng đất Tây Bắc nếu được khai thác đúng mức không chỉ phát triển kinh tế, gia tăng ngân sách đáng kể còn góp phần giải quyết kẹt xe, ngập nước và kéo giãn dân số cho nội thành, khu Đông và khu Nam, hình thành khu đô thị thông minh cho TP HCM. Bên cạnh đó còn giúp ứng phó biến đổi khí hậu vốn đang trầm trọng, nước biển dâng. Không chỉ vậy còn kéo theo phát triển các vùng đất khác tại Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An.
Du khách tham quan địa đạo Củ Chi, một trong những điểm đến nổi tiếng ở vùng Tây Bắc TP HCM Ảnh: Hoàng Triều
Giải pháp phát triển
Ngân sách không thể đầu tư hết mọi thứ nhưng vẫn có thể khai thông bế tắc, định hướng phát triển. Nên chăng với những vùng đất sau khi quy hoạch khá lâu vẫn hoang vắng, bên cạnh kêu gọi đầu tư có thêm chính sách đặc thù bảo vệ rủi ro và cam kết lợi nhuận cho nhà đầu tư để yên tâm rót vào đây nguồn vốn lớn.
Chính quyền chủ động làm trước cơ sở hạ tầng và các dịch vụ thiết yếu tạo thuận lợi về giao thông, sinh hoạt đời sống làm "mồi nhử" hấp dẫn các nhà đầu tư tìm đến. Lúc đó sẽ thu hút thêm nhiều nguồn lực từ bên ngoài có đà phát triển rồi sau đó tự khu vực này tạo ra giá trị, sinh lời và lan tỏa ra các vùng đất lân cận.
Có thể kể ra các dự án cần ưu tiên hợp tác công tư triển khai thực hiện trước như tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài có phối hợp với tỉnh Tây Ninh kết nối cửa khẩu với Campuchia, vành đai 3, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 22, xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn từ huyện Củ Chi qua huyện Hóc Môn về quận 1 nối với khu vực trung tâm đang được nhà đầu tư đề xuất…
Nghiên cứu khai thác giao thông thủy trên sông Sài Gòn từ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, chảy qua giữa địa phận ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh, qua hồ Dầu Tiếng rồi chảy tiếp qua tỉnh Bình Dương với TP HCM, hợp với sông Đồng Nai đổ ra biển Đông nên có khả năng kết nối giữa các địa phương với thế giới, lưu lại nhiều di tích nhằm tạo thêm nhiều trục giao thông vận chuyển hàng hóa và giúp phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, kết hợp hình thành các dự án bất động sản theo xu hướng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ có đầy đủ dịch vụ và tiện ích vừa giải quyết nhu cầu chỗ ở mà chính quyền đang nỗ lực vừa tạo việc làm cho người dân cũng là cách làm thiết thực vực dậy một vùng đất rộng lớn này.
Kết thúc nhận bài dự thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 bắt đầu từ ngày 4-6-2020 và kết thúc nhận bài dự thi kể từ ngày 1-6-2021. Những bài đã nhận trước thời gian này sẽ tiếp tục được đăng trên Báo Người Lao Động (nếu phù hợp với tiêu chí, nội dung cuộc thi).
Việc chấm giải và trao giải sẽ được Ban Tổ chức thông báo trong thời gian tới (tác giả đoạt giải, tác phẩm đoạt giải, thời gian, địa điểm, cách thức nhận giải...). Giải thưởng cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)