Sau 4 tháng đại dịch Covid-19 bùng phát, TP HCM là tâm dịch lớn nhất cả nước, thiệt hại kinh tế lớn nhất cả nước. Để đẩy mạnh tăng trưởng, giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế, TP HCM cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp trước mắt và lâu dài.
Giải pháp thu hút nguồn vốn FDI
Các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA được thực thi là "điểm cộng" để Việt Nam càng hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Thế nhưng, theo số liệu vừa được công bố, tính đến ngày 20-12-2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỉ USD, giảm 25% so với năm 2019. Điều này phần nào cũng do tác động của đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, cho đến nay, FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) vào Việt Nam phần lớn từ các nước và vùng lãnh thổ châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc...), rất ít nhà đầu tư từ Mỹ và Liên minh châu Âu bởi chi phí không chính thức chính là rào cản.
Muốn tận dụng cơ hội để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, đặc biệt là để TP HCM giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, cần tiếp tục cải cách thể chế, có những chính sách thu hút nhà đầu tư và tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư.
TP HCM cần có nhiều cải cách về hành chính, giải pháp thu hút vốn FDI… để phục hồi, phát triển nhanh, bền vững. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cụ thể, thu hút vốn FDI vào những ngành có công nghệ tiên tiến, có tỉ lệ xuất khẩu cao; những ngành ít vốn, công nghệ thấp thì huy động chủ yếu vốn đầu tư trong nước, nếu có liên doanh thì Việt Nam là đối tác chính. Ngoài các hình thức đầu tư FDI như Luật Đầu tư hiện nay quy định, có thể áp dụng các hình thức sau:
Công ty cổ phần trong nước có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là loại hình công ty phổ biến trên thế giới, được áp dụng ở nhiều nước Đông Nam Á. So với công ty trách nhiệm hữu hạn, loại hình này có nhiều lợi thế về huy động vốn và giảm rủi ro. Do đó nhà nước cần có hệ thống văn bản pháp quy quy định về loại hình thu hút FDI này.
Cổ phần hóa các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài. Theo ý kiến của các nhà đầu tư, Luật Đầu tư quy định DN liên doanh không được phép huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, chứng khoán là gây bất lợi cho Việt Nam.
Vì vậy, nhà nước nên có những quy định cụ thể về loại hình này nhằm tạo điều kiện cho các DN Việt Nam mua cổ phần, nộp tỉ lệ góp vốn của phía Việt Nam.
Việc cải tiến quy chế đầu tư vào các KCN, KCX là rất cần thiết nhằm thu hút mạnh hơn nữa các dự án FDI vào KCN, KCX. Nên có chính sách giảm giá thuê đất trong các KCN và KCX, bảo đảm cho các chủ đầu tư có lợi, thúc đẩy họ đầu tư vào.
Cải tiến thủ tục hành chính
Chỉ số PCI của TP HCM tăng điểm nhưng không nhiều, tăng 5,4 điểm trong vòng 4 năm. Trong khi đó, sự thay đổi của nhóm tỉnh, thành có chỉ số PCI từ khá thành tốt nên thành phố bị tụt hạng.
Điều này cho thấy những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của TP HCM chưa đủ mạnh, chưa đột phá và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Cần có những đột phá trong khâu cải tiến thủ tục hành chính.
Đó là ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, quản lý hành chính và đất đai, tránh tình trạng qua nhiều khâu làm phát sinh chi phí cho DN và nhà đầu tư nước ngoài.
Xây dựng, triển khai ngay kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính có liên quan phục vụ công tác đầu tư của các tổ chức, DN.
Trong đó, bảo đảm yêu cầu có thời hạn đối với quy trình thủ tục hành chính xử lý hồ sơ; xác định rõ tổ chức, cá nhân thực hiện chức trách trong xử lý hồ sơ; có sự tham gia đóng góp ý kiến của các tổ chức, DN; có sự giám sát của cơ quan chính quyền, có chế tài xử lý vi phạm.
Đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo nguyên tắc "một cửa", "một dấu". Các cơ quan phụ trách hợp tác và đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho DN đăng ký. Thông báo công khai các loại giấy phép cần có khi làm hồ sơ đăng ký cấp giấy phép đầu tư.
Cần sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung theo hướng giảm bớt các danh mục phải báo cáo đánh giá tác động đến môi trường và quy định cụ thể các dự án được miễn lập các loại báo cáo này.
Với các dự án đó, cơ quan thẩm định phải tiến hành khẩn trương và bảo đảm độ chính xác cao để vừa rút ngắn thời gian đăng ký vừa hạn chế được các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Muốn vậy, các cơ quan phải thường xuyên thu thập các thông tin về công nghệ tiên tiến của thế giới.
Ngoài ra, việc cấp giấy phép kinh doanh đối với những lĩnh vực và ngành nghề mà theo quy định phải có giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép hành nghề, DN chỉ cần đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai hoạt động theo mục tiêu, ngành nghề quy định tại giấy phép đầu tư, không phải xin giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép hành nghề…
Giải pháp để thực hiện mục tiêu kép
Để thực hiện mục tiêu kép - vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa tập trung tái hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, TP HCM cần có những chính sách phù hợp hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tập trung ưu tiên các nhóm ngành: dịch vụ, lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải; công nghiệp, dệt may, giày da, chế biến gỗ, chế biến lương thực - thực phẩm, xây dựng.
Song song đó, triển khai chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số tại các DN, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Xúc tiến đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa và coi trọng phát triển kênh phân phối hàng hóa sản xuất trong nước, xây dựng sàn giao dịch hàng hóa và các chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa quy mô lớn có sự tham gia của các DN phân phối, DN logistics, DN sản xuất trong nước.
Đẩy mạnh thương mại điện tử trên thiết bị di động đáp ứng nhu cầu mua sắm của cá nhân, tập trung phát triển nhanh loại hình bán lẻ hiện đại kết hợp đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao...
Bình luận (0)