Là đô thị lớn nên việc khai thác không gian ngầm ở TP HCM là vấn đề cần quan tâm thấu đáo.
Xu hướng tất yếu để phát triển
Khi đô thị hóa đã đạt trên 70%-80% diện tích, việc khai thác phát triển đô thị theo chiều cao bị hạn chế thì xu hướng chuyển sang khai thác chiều sâu là giải pháp tất yếu nhằm trả lại không gian mặt bằng cây xanh, công viên, giảm thiểu sự bí bách của đô thị.
Tại các quốc gia trên thế giới, quy hoạch hệ thống đô thị ngầm gần như hình thành song song với việc phát triển các tuyến metro ngầm. Do đó, hoàn toàn có thể tận dụng không gian ngầm của metro trở thành các phố đi bộ thân thiện cho người đi bộ, đúng với định hướng của thành phố trong tương lai.
Nếu quy hoạch và xây dựng hợp lý, các công trình dưới lòng đất sẽ mở thêm không gian cho phương tiện giao thông, các loại hình dịch vụ, thương mại. Bên cạnh đó, không gian ngầm sẽ giúp thay đổi không gian khai thác, kết nối lại các công trình công cộng quan trọng.
Điều này sẽ đẩy giá trị gia tăng cao lên rất nhiều, đồng thời biến đổi cấu trúc trên mặt đất. Các công trình phía trên sẽ tự động thu hút được các nhà đầu tư, biến khu dân cư, nhà phố thành các tòa cao ốc, xã hội sẽ tự động dịch chuyển theo hướng tích cực mà không cần sự can thiệp của nhà nước.
Hầm B1 nhà ga Nhà hát Thành phố của tuyến metro số 1 TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nhiều năm trước, bài toán phát triển không gian ngầm đã được thành phố đặt ra. Khi thành phố chủ trương xây dựng phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhiều chuyên gia đô thị đề xuất khai thác không gian ngầm bên dưới vừa làm trung tâm thương mại vừa làm chỗ đậu xe nhưng vì nhiều lý do, ý tưởng này đành phải gác lại.
Thành phố cũng từng quy hoạch hơn 10 bãi đậu xe ngầm trên địa bàn quận 1 nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được xây dựng. Nhiều vị trí từng được chọn để quy hoạch bãi đậu xe ngầm đã bị hủy bỏ.
Theo thống kê, hiện toàn thành phố có khoảng 11 ha diện tích tầng hầm, chủ yếu là không gian ngầm của các trung tâm thương mại và chỗ để xe. Bên cạnh đó, một vài trung tâm thương mại đã đưa vào khai thác các tầng hầm cho các dịch vụ mua bán, ẩm thực.
Dự kiến 8 tuyến metro nối các trung tâm chính của thành phố có tổng cộng 72 nhà ga ngầm. Hiện 3 nhà ga ngầm của tuyến metro số 1 là ga trung tâm Bến Thành, ga Nhà hát Thành phố và ga Ba Son đang được xây dựng.
Mới đây là "Dự thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP HCM" do Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì soạn thảo, đang tổ chức lấy ý kiến chuyên gia và người dân. Cụ thể, tại khu trung tâm 930 ha (gồm một phần các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh) sẽ phát triển không gian ngầm ở đường Nguyễn Huệ với nhiều tầng.
Thực tế cho thấy hiện dưới lòng đất của thành phố ngổn ngang "mạng nhện" các công trình ngầm của các đơn vị (điện, nước, viễn thông...) quản lý độc lập. Không khảo sát được hiện trạng, không biết trong lòng đất hiện nay có gì thì khó có thể quy hoạch để định hướng cho việc xây dựng trong tương lai.
Thành phố cần sớm có quy hoạch cụ thể để kiểm soát việc khai thác không gian ngầm nhằm tránh xảy ra tình trạng mỗi nơi làm một kiểu.
Quy hoạch hợp lý, sử dụng hiệu quả
Nhu cầu khai thác không gian ngầm vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội của thành phố là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng công trình ngầm đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và có ảnh hưởng nhất định đến địa chất, môi trường, nguồn nước... Do đó, cần nghiên cứu thật kỹ nội dung quy hoạch để có những dự báo và định hướng phát triển tốt.
Vấn đề quy hoạch và sử dụng không gian xây dựng ngầm ở thành phố phải bảo đảm sử dụng đất hợp lý, hiệu quả; bảo đảm kết nối tương thích và đồng bộ giữa không gian ngầm với công trình hiện hữu trên mặt đất; bảo đảm yêu cầu về môi trường, nguồn nước ngầm và an ninh, quốc phòng.
Vấn đề cốt lõi của việc xây dựng không gian ngầm không phải là xây cái gì mà là chỗ nào được xây, nơi nào không được xây. Do đó, khâu khảo sát, đánh giá về địa chất, thủy văn phải được thực hiện đầu tiên trong công tác lập quy hoạch.
Đồng thời yếu tố khống chế không gian ngầm chính là các quy hoạch tuyến, cụ thể đối với thành phố là các tuyến metro. Vì thế, việc lập quy hoạch nên bám theo các tuyến metro, sau đó mới chia lớp không gian để quản lý và phải bảo đảm quy hoạch chung.
Cùng với đó, kết nối các tầng hầm của những tòa nhà cao ốc gần đó đã có sẵn, tạo thành một không gian đô thị khá lớn, thân thiện cho người đi bộ ở dưới lòng đất, sử dụng metro khi đi vào trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến đầu tư các bãi đậu xe ngầm để giải quyết bài toán thiếu chỗ đậu xe.
Với tình hình ngân sách như hiện nay, thành phố khó có thể dành hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng các hệ thống ngầm này. Do đó, trước hết phải có quy hoạch bài bản, sau đó là xây dựng giải pháp, chính sách để thu hút đầu tư. Khi chính sách đầu tư hấp dẫn, nhà đầu tư sẽ tham gia.
Mời tham dự cuộc thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì; phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)