Là địa phương có mật độ dân số cao nhất nước với 4.292 người/km², nhu cầu nhà ở tại TP HCM rất lớn. Tốc độ tăng dân số cơ học lớn trong bối cảnh nguồn cung nhà ở hạn chế nên giá nhà liên tục tăng cao. Đặc biệt, nhà ở giá thấp (trên dưới 1 tỉ đồng) gần như "biến mất" trên thị trường trong khi hiện nay, công nhân chỉ có thể dành khoảng 15%-20% thu nhập hằng tháng (tương đương 1,5 - 2 triệu đồng) cho tiền nhà ở.
Trao quyền chủ động cho TP HCM
Những năm gần đây, vấn đề nhà ở cũng đã được cải cách theo hướng thương mại hóa việc xây dựng, phân phối và sử dụng. Để những đề xuất đi đến hiện thực hóa việc giao quyền chủ động cho địa phương trong sử dụng 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại để xây nhà ở xã hội, cần bao gồm những nội dung sau:
Thứ nhất, được phép chủ động bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại thay thế ở vị trí khác. Thông tin này được loan báo rộng rãi, có sự tiếp cận và tiếp nhận đầy đủ ở ban, ngành cũng như người dân, nhất là người thu nhập thấp và công nhân lao động.
Thứ hai, không phát triển nhà ở xã hội là nhà ở liền kề thấp tầng nữa. Được sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% - 25% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị để hỗ trợ, cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
Thứ ba, triển khai mô hình xây dựng một số khu nhà ở xã hội tập trung, có quy mô diện tích đất lớn, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khép kín bảo đảm nhu cầu sinh sống, sinh hoạt lâu dài. Rà soát quy hoạch các khu công nghiệp để bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân một cách hợp lý, nhất là các khu công nghiệp ở khu vực ngoại thành, quỹ đất dồi dào chưa sử dụng đến.
Thứ tư, đa dạng hóa nguồn lực đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân. Ưu tiên bố trí quỹ đất, bố trí kinh phí từ nguồn tiền thu được từ quỹ 20% - 25% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (bao gồm cả khu đô thị, khu chức năng đô thị) để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn các quận, huyện.
Có thể hiểu, mấu chốt trong những đề xuất trên là giao quyền chủ động cho thành phố trong việc tiếp nhận, bố trí, sử dụng quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại để xây nhà ở xã hội. Trong đó, then chốt không phải xây nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% ở đúng dự án nhà ở thương mại của chủ đầu tư, mà cho phép thành phố được chủ động thay thế phần đất 20% ở vị trí khác (phụ thuộc vào thỏa thuận với chủ đầu tư).
Đề xuất trên dựa trên tình hình thực tế, giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc. Có thể kể tới việc gỡ nút thắt cho chủ đầu tư khi không phải thực hiện "2 trong 1", trong cùng dự án nhà ở thương mại vừa xây nhà ở phân khúc trung, cao cấp, vừa xây nhà ở xã hội. Đồng thời, gỡ khó cho cả hai cộng đồng cư dân khi phải sống trong những dự án "xôi đỗ".
Lễ động thổ dự án nhà ở xã hội DRAGON E-HOME (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) Ảnh: Quốc Anh
Ưu đãi đất đai, tài chính, thuế
Chúng ta phát triển nhà ở xã hội bằng việc thu nhận, học tập kinh nghiệm từ nhiều quốc gia khác nhau trong khu vực như Trung Quốc, Singapore… Có thể nói rằng Singapore là điển hình thành công trong việc phát triển nhà ở xã hội bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhà ở cho người dân thông qua mô hình các tập đoàn hoặc tổng công ty nhà nước đủ mạnh (được sự hỗ trợ của nhà nước về đất đai, tài chính) để chuyên đầu tư phát triển loại hình nhà ở này. Đến nay, có trên 90% người dân sở hữu nhà, trong đó có tới 83% số người được sở hữu nhà ở giá thấp.
Nhìn sang Thái Lan, Chính phủ nước này ngoài chính sách ưu đãi chung đối với việc xây dựng nhà ở xã hội thì đã có phân loại hỗ trợ chính sách tài chính nhà ở đối với người thu nhập thấp. Trong đó có thiết kế một chương trình cho vay đối với các công chức, người làm việc trong cơ quan nhà nước bắt đầu tư năm 2001. Ngân hàng Nhà ở Chính phủ đã hợp tác với Quỹ Lương hưu Chính phủ và một số cơ quan khác để thực hiện các khoản vay này.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của một số nước tương đồng với Việt Nam về văn hóa, kinh tế - xã hội như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… thì thấy hầu hết các nước đều đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê, thông qua các hình thức trực tiếp đầu tư công hoặc giao cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư hoặc có các chính sách hỗ trợ chủ đầu tư hoặc người dân thuê, mua nhà ở xã hội. Cách làm mỗi nước tuy có khác nhau nhưng đều có điểm chung là những ưu đãi về đất đai, tài chính và thuế để người thu nhập nhấp có thể mua hay thuê được nhà ở giá rẻ.
Do đó, TP HCM cần phải dựa vào quan điểm này để huy động sức mạnh tổng hợp của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn; tiếp tục có cơ chế, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.
Bình luận (0)