Thành lập thành phố mới- TP Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận phía Đông (quận 2, quận 9 và Thủ Đức) của TP HCM là một ý tưởng mang tính chiến lược phục vụ phát triển, xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có.
Những nền tảng sẵn có
Lợi thế cho chủ trương xây dựng đô thị sáng tạo trên nền tảng có sẵn: Khu Công nghệ cao (quận 9) rộng 913 ha được lấp đầy khoảng 90% với 156 dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ, diện tích vẫn đang được mở rộng thêm 195 ha. Khu đô thị ĐHQG (quận Thủ Đức) rộng 643 ha được cho là trung tâm trí thức, đào tạo cho đô thị trong tương lai. Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) rộng 657 ha với chức năng là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, dân cư hiện đại.
Ngoài ra, hệ thống hạ tầng cơ sở đã và đang được đầu tư kết nối với các vị trí giao thông quan trọng như có đường Phạm Văn Đồng nối với sân bay Tân Sơn Nhất, xa lộ Hà Nội nối cửa ngõ phía Đông, Quốc lộ 1 và đường Đồng Văn Cống giữ vai trò trọng yếu trong vận chuyển hàng hóa, cao tốc Long Thành - Dầu Giây liên kết vùng. Metro Bến Thành - Suối Tiên sau khi hoàn thành phục vụ vận chuyển hành khách khối lượng lớn, giải quyết nhu cầu đi lại cho số đông người dân.
Đại lộ Phạm Văn Đồng, đoạn đi qua quận Thủ Đức Ảnh: HOÀNG TRIỀU
TP Thủ Đức tương lai còn được xem là giải pháp mở con đường quy hoạch phát triển theo hướng hiện đại về phía Đông có thể giảm tải cho khu vực trung tâm TP HCM vốn đã quá tải dân số, việc làm, cơ sở hạ tầng xuống cấp, ngập nước, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, còn tạo ra một quỹ đất đáng kể, không chỉ giúp thu về cho ngân sách khoản tiền lớn mà còn tác động vào thị trường bất động sản vốn bất hợp lý bấy lâu, kéo giá đất trở về nhu cầu thực nếu có những điều chỉnh phù hợp. Từ đó, cải tạo lại khu vực nội thành cũng dễ hơn.
Tầm nhìn và trách nhiệm nhà quản lý
Tuy nhiên, thực hiện một chủ trương lớn, triển khai đề án xây dựng cùng nguyên liệu đầu vào nhưng sản phẩm có được lắm khi khác nhau nếu trong quá trình triển khai có những thay đổi mang tính tiêu cực thì kết quả đầu ra sẽ dị dạng, biến chất. Ngược lại, nếu triển khai tốt không những giúp phát triển kinh tế - xã hội mà còn làm đẹp bộ mặt đô thị, có cơ sở hạ tầng bền vững.
Xây dựng TP mới đòi hỏi tầm nhìn, trách nhiệm nhà quản lý. Bên cạnh tính chất cốt lõi xây dựng đô thị sáng tạo, nhà quản lý và quy hoạch nên quan tâm đến cộng đồng, đặt lợi ích chung lên hàng đầu, chỗ đẹp nhất không dành cho dự án bất động sản mà dành cho cộng đồng.
Phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan, nhà ở, cầu đường, giao thông công cộng, công viên cây xanh, khu văn hóa giải trí chắc chắn phải thu hút nhiều nguồn vốn mới đủ khả năng thực hiện. Vấn đề là có chính sách phù hợp, hài hòa lợi ích, hạn chế rủi ro cho người bỏ vốn đầu tư thì mới có những đối tác lớn với thương hiệu toàn cầu tham gia. Từ đó, tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn nhà đầu tư xứng tầm để thực hiện mới có những công trình tầm cỡ, bền vững trong phát triển.
Nên chăng tạm ngưng giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án nhà ở mới và công trình không phù hợp với định hướng phát triển cho tương lai TP Thủ Đức. Việc này có thể làm chậm tiến trình đô thị hóa nhưng bù lại có cơ hội điều chỉnh tốt hơn để có khu đô thị mới tầm cỡ phát triển lâu dài với giải pháp căn cơ, sắp xếp chỗ ở ổn định với chất lượng sống cho người dân, tránh hệ lụy về sau. Ngoài ra, giảm gây xáo trộn xã hội, tăng giá đất.
Trên cơ sở chủ trương được thông qua thành lập TP Thủ Đức, cơ quan chức năng tổ chức đấu thầu cạnh tranh hoặc thi tuyển đơn vị lập quy hoạch quản lý phát triển đồng bộ các lĩnh vực liên quan. Sau đó, giao cho một đối tác lớn có uy tín và tiềm lực thực hiện cũng qua hình thức đấu thầu quốc tế, cạnh tranh công bằng để tổ chức triển khai như khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Thực hiện một chủ trương lớn như xây dựng TP Thủ Đức, khối lượng công việc rất đồ sộ liên quan đến nhiều ban ngành, cơ quan, đơn vị. Cần một "nhạc trưởng" đủ thẩm quyền và khả năng để phân công nhiệm vụ cho từng tổ chức, cá nhân và cụ thể hóa trách nhiệm. Có thể thành lập hẳn một tổ công tác do một lãnh đạo TP làm tổ trưởng để kịp thời chỉ đạo, điều phối, đôn đốc, giải quyết trở ngại sao cho các công việc được thực hiện đúng lộ trình đã đặt ra.
Những công việc có sẵn quy hoạch, triển khai càng sớm càng tốt nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông sao cho thuận lợi, thu hút nguồn lực đầu tư. Metro phải kịp hoàn thành phục vụ vận chuyển hành khách với khối lượng lớn và khi đưa vào khai thác theo kế hoạch và kết nối giao thông cho thuận lợi đi lại, giá rẻ, thời gian. Các nhà ga có bố trí bãi giữ xe cá nhân, kết nối với các điểm đón trả khách bằng phương tiện công cộng, xe buýt, taxi… Có thể kết nối hệ thống giao thông thủy trên sông Sài Gòn với nhà ga Thảo Điền, Tân Cảng. Xa lộ Hà Nội khá rộng, phương tiện lưu thông đông đúc, nhất là xe tải và container, cần kịp thời xây cầu vượt để kết nối các trung tâm thương mại, khu dân cư, tạo thuận lợi và an toàn cho người dân đi bộ phía quận 2, quận 9 tiếp cận với các nhà ga An Phú, Rạch Chiếc, Bình Thái, Thủ Đức, Phước Long, Khu Công nghệ cao.
Mời tham gia cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế"
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 kéo dài đến ngày 31-5-2021, tập trung vào 3 chủ đề chính: "Đô thị thông minh"; "Khởi nghiệp - thương hiệu của
TP HCM"; "Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM".
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà); hoặc gửi trực tiếp Tòa soạn Báo Người Lao Động tại địa chỉ: 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
Tổng giải thưởng cho cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 là 120 triệu đồng, bao gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích - mỗi giải 10 triệu đồng.
Bình luận (0)