Xây dựng "TP thông minh" (smart city) là một xu hướng phát triển đô thị hiện nay, nhất là trong giai đoạn phát triển vượt trội của công nghệ thông tin (CNTT), cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, internet và trí tuệ nhân tạo. TP HCM cũng đã xây dựng "Đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025".
TP thông minh bền vững
Trong giai đoạn đầu, việc xây dựng TP thông minh chủ yếu tập trung vào phát triển hệ thống hạ tầng CNTT với vai trò tiên phong của các tập đoàn CNTT lớn như IBM và Siemens. Tuy nhiên, theo thời gian, các học giả bắt đầu nhận thức toàn diện hơn về TP thông minh. Bên cạnh việc đầu tư vào hạ tầng CNTT để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng truyền thống (như hệ thống giao thông), chính quyền các TP đã biết đầu tư vào phát triển vốn con người, vốn xã hội, tăng trưởng kinh tế bền vững, chất lượng cuộc sống cao và quản lý tài nguyên thiên nhiên thông minh thông qua quản trị có sự tham gia (participatory governance).
Như vậy, bên cạnh phần "cứng" là các yếu tố kỹ thuật với CNTT đóng vai trò chủ đạo, các yếu tố thuộc phần "mềm" đã được lưu tâm khi xây dựng một TP thông minh.
TP HCM đã xây dựng “Đề án xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH
Trong dự án nghiên cứu ITU-T vào năm 2014, các chuyên gia về viễn thông của Liên Hiệp Quốc đã tổng hợp một danh sách hơn 100 khái niệm về "TP thông minh bền vững" và đưa ra một định nghĩa toàn diện về TP thông minh: "Một TP thông minh bền vững là một TP sáng tạo sử dụng CNTT - truyền thông và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo ra sự vận hành và dịch vụ đô thị hiệu quả và khả năng cạnh tranh, trong khi vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai liên quan đến các khía cạnh kinh tế - xã hội và môi trường. Sự tham gia của công dân và các chủ thể phi chính phủ khác là điều cần thiết. Công dân thông minh đóng một vai trò quan trọng trong các TP thông minh bằng cách tham gia vào quá trình quản trị thông minh".
Khái niệm trên cho thấy cách tiếp cận đối với TP thông minh ngày càng trở nên toàn diện hơn, nhấn mạnh đến yếu tố cải thiện chất lượng cuộc sống như là mục tiêu của xây dựng TP thông minh qua việc cung cấp các dịch vụ công, tiện ích đô thị hiệu quả hơn và bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường. Khái niệm TP thông minh đã biết nhấn mạnh vào sự tham gia hay tương tác của người dân và các tổ chức xã hội vào quá trình vận hành, quản lý đô thị hay quá trình ra quyết sách. Đặc biệt, yếu tố "quản trị thông minh" được nhắc đến như là một cách thức quản lý kiểu mới để một mặt bảo đảm sự vận hành đô thị hiệu quả; mặt khác, để bảo đảm sự tham gia của công dân vào quá trình quản trị thông minh.
Người dân tham gia xây dựng, quản lý TP
Mỗi quốc gia định nghĩa về "smart city" có phần khác nhau nhưng có một vài điểm chung trong cách hiểu và kỳ vọng về TP thông minh: Dữ liệu mở/chia sẻ dữ liệu; sự tham gia của công dân; nâng cao các dịch vụ xã hội; chính quyền số hóa; tích hợp được giao thông công cộng. Trong đó, để bảo đảm yếu tố cơ bản của TP thông minh vẫn là CNTT, nó làm cho đặc trưng của khuynh hướng phát triển "smart city" trở nên khác biệt hơn so với các triết lý phát triển đô thị khác. Tuy nhiên, yếu tố cuộc sống con người và yếu tố quản lý (các dịch vụ công) cũng đã được tính đến để việc phát triển đô thị có tính toàn diện hơn chứ không hẳn chỉ tập trung vào khía cạnh khoa học công nghệ.
Đề án "Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025" vận dụng các yếu tố then chốt của một TP thông minh trong thời đại của AI và Big Data này. Cụ thể, các mục tiêu chính của đề án này là: bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân.
Để xây dựng được mô hình TP thông minh này, các nội dung chính phải được thực hiện bao gồm xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho TP, xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP, xây dựng trung tâm điều hành thông minh cho TP và thành lập trung tâm an toàn thông tin TP.
Đặc biệt, khuynh hướng phát triển "TP thông minh" cần được tích hợp với xu hướng "TP xã hội". Trong đó, sự tham gia của người dân vào các hoạt động của cộng đồng và trong quá trình ra quyết sách là vấn đề mấu chốt nhằm tạo ra một xã hội công bằng. Cụ thể, mọi người dân đều có cơ hội tham gia vào việc xây dựng và quản lý TP cũng như đều có cơ hội hưởng những thành quả chung của sự phát triển. Nói cách khác, bất kể việc xây dựng được một hạ tầng hiện đại và hệ thống quản lý hiện đại hay một TP xanh, TP nén… nhưng tất cả công dân trong TP và các cộng đồng đặc thù có nhận được cơ hội ngang nhau trong sự phát triển này hay không là yếu tố cần được đưa vào trong định hướng phát triển đô thị.
Cuộc thi lắng nghe người dân hiến kế lần 2
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 kéo dài đến ngày 31-5-2021, tập trung vào 3 chủ đề chính: "Đô thị thông minh"; "Khởi nghiệp - thương hiệu của TP HCM"; "Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM".
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ e-mail: bandoc@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà); hoặc gửi trực tiếp Tòa soạn Báo Người Lao Động tại địa chỉ: 123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM.
Tổng giải thưởng cho cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 là 120 triệu đồng, bao gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích - mỗi giải 10 triệu đồng.
Bình luận (0)