Vấn đề nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, đối tượng chính là công nhân nhập cư, đã được nói đến rất nhiều và rất sớm - ngay từ khi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa bắt đầu được đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề này ở thời kỳ đầu chưa trở nên cấp bách vì các phòng trọ tự phát, giá rẻ mọc lên rất nhiều gần các khu công nghiệp, đã đáp ứng nhu cầu trước mắt của người lao động nhập cư.
Phát triển chậm so với nhu cầu
Dù vậy, thời đó, báo chí đã phản ánh kết quả điều tra của một số cơ quan chức năng và các cuộc hội thảo về đời sống công nhân ở các khu nhà trọ cho thấy các phòng trọ chật hẹp, thiếu tiện nghi, thiếu vệ sinh môi trường… Từ đó đã có những đề xuất, hiến kế nên giao thêm đất cho các chủ đầu tư để xây nhà ở cho công nhân theo cơ chế ưu đãi, có lợi cho công nhân và chủ doanh nghiệp có thêm doanh thu nhưng chưa thấy áp dụng và cũng chưa đề cập các dự án xây nhà ở xã hội.
Đến khi hệ thống nhà trọ tự phát không còn đủ sức chứa, vấn đề nhà ở xã hội trở thành điểm nóng và được truyền thông và các cấp chính quyền nói đến nhiều hơn, nhất là về những khó khăn trong việc thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Các dự án xây dựng nhà ở xã hội phát triển chậm hơn so với nhu cầu tăng nhanh về nhà ở của công nhân và người có thu nhập thấp. Ảnh: TẤN THẠNH
Dự án xây dựng nhà ở xã hội ở TP HCM được thực hiện sớm nhất và đưa vào sử dụng từ tháng 8-2013 với 100 căn hộ (theo báo VnExpress). Đến nay, theo số liệu của Sở Xây dựng, TP HCM có 10 dự án nhà ở xã hội, đã hoàn thành 1 dự án, 7 dự án đang thi công, từ tháng 9-2021 đến nay có thêm 3 dự án được khởi công. Thành phố đã quy hoạch 20 khu đất với tổng diện tích 38 ha để xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Như vậy hiện nay phần lớn chương trình nhà ở xã hội vẫn còn nằm ở "thời tương lai".
Những số liệu nêu trên cho thấy các dự án xây dựng nhà ở xã hội phát triển chậm hơn so với nhu cầu tăng nhanh về nhà ở của công nhân và người có thu nhập thấp cho nên tình trạng thiếu nhà ở càng trở nên trầm trọng. TP HCM hiện có khoảng 4,7 triệu lao động, trong đó 2,4 triệu ở khu vực chính thức, 2,3 triệu là lao động tự do và khu vực phi chính thức, đều thuộc nhóm có thu nhập thấp, trong đó 41% phải ở nhà trọ, 36% ở cùng gia đình. Theo số liệu của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza), 74% lao động thành phố là người nhập cư, trong đó 70% có nhu cầu mua nhà ở xã hội.
Giải pháp tháo gỡ
Câu chuyện về nhà ở xã hội đã được nói đến nhiều, dự án cũng nhiều, giải pháp đưa ra cũng nhiều nhưng vẫn thiếu nhiều. Thực trạng đó được lý giải từ 4 nút thắt chính: sức mua, mặt bằng xây dựng, nhà đầu tư và kết nối giao thông.
Về sức mua, các điều tra đều cho thấy đa số gia đình công nhân và người thu nhập thấp không đủ khả năng tài chính để mua căn hộ trong nhà ở xã hội. Giải pháp cho vấn đề này không thể theo cách hạ giá thành căn hộ vì phải phụ thuộc vào giá vật tư và công xây dựng. Do đó, nên theo hướng mua trả góp dài hạn cùng với giảm lãi suất cho vay mua nhà. Giải pháp này phải do nhà nước quản lý, không thuộc nhà đầu tư.
Về mặt bằng xây dựng, TP HCM đã có 20 khu đất diện tích 38 ha để xây dựng nhà ở xã hội nên chỉ cần khai thác hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất, thực hiện đúng tiến độ xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Về nhà đầu tư, các nghiên cứu đã nêu ra lý do chính không thu hút được họ vào các dự án nhà ở xã hội là vì lợi nhuận rất thấp. Giải pháp cho vấn đề này thuộc về chính sách của nhà nước, có thể là giảm lãi suất cho vay kết hợp với cho nhà đầu tư khai thác thêm quỹ đất xung quanh các dự án, tức là theo hướng tăng lợi nhuận đến mức nào đó đủ sức thu hút được họ. Tuy nhiên, không chỉ dựa vào nhà đầu tư, nhà nước nên liên doanh với nhà đầu tư hoặc trực tiếp thực hiện một số dự án, coi đó là đầu tư lâu dài cho phát triển văn hóa, xã hội chứ không chỉ vì lợi ích kinh tế trước mắt.
Về kết nối giao thông, vấn đề này là yếu tố rất quan trọng đối với sự lựa chọn nơi ở và giữ chân công nhân và người thu nhập thấp. Bởi không phải họ chỉ cần căn hộ để ở mà nhu cầu về hoạt động mưu sinh còn quan trọng hơn, trên thực tế đã có những người phải bỏ căn hộ nhà tầng để tìm nơi ở khác có thể buôn bán nhỏ và lao động tự do. Đối với cư dân trong khu nhà ở xã hội, phương tiện đi lại thích hợp nhất là xe máy cá nhân và xe buýt. Các nhà quy hoạch và tổ chức giao thông cần bảo đảm cho các khu nhà ở xã hội phải có các tuyến xe buýt đa hướng; đồng thời bổ sung thêm các phương tiện giao thông công cộng có kích cỡ nhỏ hơn để đáp ứng nhu cầu đi lại.
Những vấn đề nêu trên cho thấy không thể có "phép mầu" để giải quyết nhanh chóng tình trạng thiếu nhà ở xã hội, chỉ có thể tháo gỡ dần những điểm nghẽn trong 4 nút thắt trên nhằm đẩy nhanh quá trình hoàn thành kế hoạch xây dựng 20 khu nhà ở xã hội với 1 triệu căn hộ.
Bình luận (0)