Hiện nay, các chương trình nhà ở xã hội đã và đang được triển khai nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Trong đó, đáng kể là việc người có nhu cầu thực sự lại khó tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội.
Đẩy nhanh tốc độ "phá băng"
Mặc dù các đối tượng được mua nhà ở xã hội đã được quy định trong Luật Nhà ở, tuy vậy các điều kiện liên quan lại làm người thu nhập thấp có nhu cầu gặp khó khăn trong việc chứng minh điều kiện thu nhập và là một trong những "điểm tắc" của nhà ở xã hội. Giải quyết gốc rễ của vấn đề là phía chủ đầu tư "có thể chấp nhận được đến mức nào" nhất là trong điều kiện giá nhà tăng thì việc giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội cũng tăng thêm khó khăn.
Kinh nghiệm từ các nước như Trung Quốc, Singapore cho thấy nếu chúng ta tăng chất lượng nhà ở xã hội một cách mạnh mẽ thì chính từ phía người dân cũng sẽ có nhiều cố gắng hơn trong việc tự nâng cao mức đầu tư của mình và tích cực hơn trong tiếp cận nhà ở xã hội với mức giá tốt hơn.
Mặt khác, nguồn cầu ổn định chính là điều kiện cần để giới chủ đầu tư mạnh hơn vào nhà ở xã hội. Lấy một mức giá trung bình để tham chiếu là 1.500 USD/m2. Đây là mức giá chung của Việt Nam (đặc biệt là TP HCM) mà người dân có thu nhập trung bình có thể chấp nhận được để có một căn nhà tương đối tươm tất. Nếu chúng ta chia một nửa con số đó (khoảng 15-20 triệu đồng/m2) mà chất lượng nhà đáp ứng được nhu cầu thì nguồn cầu chắc chắn sẽ tăng. Hiện giá nhà ở xã hội ở TP HCM đang dao động khoảng giá nêu trên nhưng vì vấn đề chất lượng và thủ tục mà một bộ phận người dân vẫn ngần ngại tiếp cận. Vì vậy, phải đẩy nhanh tốc độ "phá băng" đến từ cả hai phía chủ đầu tư và người dân.
Cần đẩy mạnh giải quyết các dự án nhà ở xã hội đang chậm hoặc tạm ngừng (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Quốc Anh
Giải pháp thứ hai là tăng cường truyền thông mạnh mẽ đến người dân, qua đó tạo hành lang thông thoáng và "rộng đường dư luận" để đẩy mạnh tiếp cận nhà ở xã hội cho những đối tượng đang lưỡng lự, dù họ có tài chính tốt.
Tiếp theo, cần tạo diễn đàn thông thoáng, cởi mở để tìm tiếng nói chung giữa các nhà đầu tư bất động sản và người dân trong việc tiếp cận nhà ở xã hội. Bởi dù sao bất động sản vẫn là một kênh đầu tư khá an toàn, có thể bảo toàn nguồn vốn trong dài hạn và đầu tư cho cuộc sống sẽ đem lại những giá trị không thể tính được bằng tiền. Nếu dựa trên suy nghĩ này thì vừa có tác dụng tăng cầu nhà ở xã hội vừa giảm nhiệt cho các cơn sốt vì sự cân nhắc của người dân đến tương lai lâu dài chứ không phải suy nghĩ đầu cơ trong ngắn hạn cho nhà ở trung cấp hay đất nền.
Quản lý tốt chi phí đầu vào
Giải pháp thứ ba là thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường các chi phí đầu vào để các dự án bất động sản cho người có thu nhập thấp "dễ thở" hơn cho cả chủ đầu tư và người dân. Đây cũng chính là để giải quyết căn cơ hơn sự khó khăn của cả cung và cầu nhà ở xã hội.
Cần từng bước bình ổn giá sắt, thép, cát, gạch, xi-măng…, giải quyết đứt gãy trong sản xuất các nguyên liệu và từng bước phục hồi cũng như tăng cường chuỗi cung ứng của các nguyên vật liệu này. Để làm được điều đó, bên cạnh các biện pháp vĩ mô của nhà nước và Chính phủ nhằm lành mạnh hóa các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cần tích cực duy trì thị phần trong nước và mở rộng xuất khẩu, tạo mức bù trừ hợp lý sau sự gián đoạn của đại dịch. Quan tâm đến các biện pháp ưu đãi trong các loại hình, phân khúc nhà ở bình dân và nhà ở xã hội ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào. Để làm được điều này cần có sự liên kết, bắt tay hợp tác giữa nhiều doanh nghiệp cả về bất động sản và sản xuất đầu vào.
Một giải pháp căn cơ nữa là tăng cường đẩy mạnh giải quyết các dự án nhà ở xã hội đang chậm hoặc tạm ngừng. Ngoài sự ảnh hưởng chung do đại dịch, các doanh nghiệp cần chú trọng phục hồi dần để đạt mục tiêu về số lượng nhà ở xã hội so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Với mô hình nhà ở xã hội giá rẻ thu hút sự quan tâm của người dân, cần chứng minh trên thực tế rằng chất lượng sau một thời gian sinh sống được bảo đảm, không có sự cố phát sinh.
Bình luận (0)