Việc phát triển nhà ở xã hội đến nay vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là ở những đô thị lớn như TP HCM. Vấn đề mấu chốt là ở cơ chế chính sách đang không theo kịp yêu cầu thực tiễn. Hầu hết các chính sách đề ra nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội dù rất hay nhưng khi áp dụng vào thực tế lại không mấy suôn sẻ.
Vì sao khó triển khai nhà ở xã hội?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tựu trung lại có thể nói là do 3 nguyên nhân chính dẫn đến thực tế này.
Thứ nhất, thị trường bất động sản hiện vẫn chưa tạo được sức cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư tham gia, tính cạnh tranh nhằm tạo ra sản phẩm giá tốt và chất lượng cao vẫn chỉ ở báo cáo là chính.
Thứ hai, nhà nước chưa có các gói hỗ trợ về mặt tài chính tốt để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư mạnh dạn tham gia cũng như người mua có thể tiếp cận trực tiếp, toàn diện.
Thứ ba, các chính sách, cơ chế chưa thông thoáng, chưa đơn giản hóa thủ tục phê duyệt, nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai khiến việc thực hiện dự án kéo dài, từ lợi thế có thể trở thành rào cản khi vật giá và lạm phát thị trường tăng tịnh tiến theo năm.
Để phát triển nhà ở xã hội, cần khuyến khích, trao quyền tự chủ một số đầu việc cho doanh nghiệp. Ảnh: ANH TUẤN
Đặc biệt, thủ tục pháp lý cho nhà ở xã hội hay dự án căn hộ cao cấp đều nhiêu khê như nhau, phải làm tất cả từ phòng cháy chữa cháy, cao độ, tính kết cấu... Trong khi đó, lợi nhuận của nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ lại thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại.
Vì vậy, dù có mong muốn được tham gia xây dựng nhà ở xã hội, thực hiện trách nhiệm với cộng đồng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không dám "nhảy vào".
Nhu cầu nhà ở xã hội ở TP HCM tăng dần theo thời gian, đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến nhiều mục tiêu về an cư xã hội của thành phố. Vì vậy, không có cách nào khác ngoài việc phải huy động bằng được sự tham gia của các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp, cùng với chính quyền quyết tâm thực hiện mục tiêu này.
Để làm được, cần tạo cơ chế đặc thù liên kết giữa chính quyền và các doanh nghiệp, các nhà phát triển bất động sản lớn, trao cho doanh nghiệp quyền chủ động hơn trong đầu tư và kinh doanh, mục tiêu là giảm giá nhà xuống thấp nhất nhưng vẫn bảo đảm chất lượng dự án một cách cao nhất.
Nhà nước phải là người chủ trì
TP HCM đang có đề án phát triển 1 triệu nhà ở xã hội nên vấn đề khuyến khích, trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp trong việc lựa chọn quỹ đất, chủ động đầu tư kinh doanh và chủ động về chi phí, lợi nhuận là rất cần thiết.
Tất nhiên, câu chuyện xây dựng và phát triển nhà ở xã hội tốt nhất vẫn dựa trên nguồn lực là ngân sách chứ khó có thể chỉ phụ thuộc vào tư nhân. Bởi về mặt thương mại, doanh nghiệp khi đầu tư phải tính đến hiệu quả nên đối với phân khúc này, nhà nước cần phải là người chủ trì và có hướng dẫn để có thể huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, bảo đảm được công bằng trong việc phân phối sản phẩm đến người dân, phát triển nhà ở vừa túi tiền một cách đúng nghĩa.
Để phát triển nhà ở xã hội một cách chuyên nghiệp hơn, cần lập quy hoạch các khu đô thị nhà ở xã hội quy mô lớn, quy hoạch đồng bộ hạ tầng kỹ thuật kết nối các khu đô thị này với khu vực trung tâm, khu công nghiệp, hình thành các tuyến giao thông công cộng… Riêng ở TP HCM, cần tạo quỹ đất từ 3.000-5.000 ha để làm nhà ở xã hội, diện tích từ 50 đến 300 ha/khu đô thị.
Nhà đầu tư sẽ cung cấp tài chính, chính quyền thực hiện giải phóng mặt bằng và hoàn lại tiền bằng hình thức khấu trừ tiền thuế nộp cho ngân sách nhà nước. Đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư, từ đó giảm giá nhà.
Ngân hàng nhà nước cần phân biệt doanh nghiệp bất động sản làm nhà ở xã hội với bất động sản làm nhà ở thương mại, yêu cầu các ngân hàng thương mại xếp loại vào nhóm ngành là rủi ro thấp và được ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp. Đồng thời, cấp tín dụng ưu đãi cho người dân để mua nhà.
Bình luận (0)