Một trong 4 yếu tố làm nên suất diễn thành công tại sàn diễn nghệ thuật cải lương là rạp hát, bên cạnh nghệ sĩ, khán giả và nhà quản lý. Thật lòng mà nói, hệ thống rạp hát tại TP HCM đã xuống cấp trầm trọng.
Phải có rạp hát đạt chuẩn
Trong khi các nước trong khu vực đã xây dựng hệ thống rạp biểu diễn đạt chuẩn quốc tế thì tại TP - nơi có 13 triệu dân, suốt nhiều thập niên qua vẫn sử dụng các rạp hát cũ. Một số hội trường nhà văn hóa, trung tâm văn hóa được khai thác làm nơi biểu diễn không đủ chuẩn, dẫn đến việc làm nghệ thuật tạm bợ, không có tác phẩm đỉnh cao như khao khát của người nghệ sĩ.
Dạo quanh một vòng TP sẽ thấy các rạp hát nổi tiếng một thời - nơi các đoàn hát gắn liền với không gian biểu diễn và tạo nên hào quang cho nhiều thế hệ vàng sân khấu cải lương - đã bị xóa sổ. Ðầu tiên phải kể đến như rạp Norodom (nay là Công ty Xổ số kiến thiết TP - số 23 Lê Duẩn, quận 1), rạp Aristo (nay là khách sạn New World), rạp Lux (sau đổi thành rạp Lao Ðộng B, một giai đoạn chuyển công năng thành vũ trường, nhà hàng, karaoke, cà phê và đã đóng cửa nhiều năm qua), rạp Khải Hoàn (nay là nhà hàng - phòng trà), rạp Quốc Thanh (sau thời gian dài được tận dụng làm trung tâm tiệc cưới thì những năm gần đây đã chuyển đổi công năng thành rạp chiếu phim Cinestar), rạp Thanh Vân (nay là kho chứa nhạc cụ của Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch TP)...
Liệt kê như vậy để thấy rõ ràng TP HCM đang thiếu rạp hát một cách trầm trọng nhưng vẫn có những rạp hát lại bị sử dụng không đúng mục đích hoặc một số rạp không được tu bổ, sửa chữa, chăm sóc, bảo quản thường xuyên đã xuống cấp theo thời gian, chưa kể đến hư hỏng nội thất, hệ thống âm thanh, ánh sáng và không tạo được nguồn thu khi sàn diễn không bán được vé do hệ thống cơ sở vật chất lạc hậu.
Ở đây tôi khẳng định rằng muốn vực dậy sàn diễn cải lương, việc làm đầu tiên là rà soát lại hệ thống rạp hát, phân bổ đúng chức năng, giao hẳn cho các đơn vị nghệ thuật khai thác. Ðối với các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa chuyên về nghệ thuật cải lương, TP HCM cần hỗ trợ điểm diễn cố định, giúp họ yên tâm sáng tạo nghệ thuật theo định hướng. Và quan trọng hơn cả, đã đến lúc TP HCM phải trả "nợ" cho cải lương bằng cách đầu tư một rạp hát đạt chuẩn để phục vụ giới mộ điệu cũng như góp phần thúc đẩy nền nghệ thuật cải lương ngày một thăng hoa.
Từ lâu, sàn diễn nghệ thuật luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả TP HCM. Trong ảnh: Một cảnh trong vở “Bông hồng cài áo” của Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh Ảnh: THANH HIỆP
Giải pháp con người của chiến lược
Ngoài việc cần những rạp hát đạt chuẩn, từ nhiều năm qua, bất cập lớn nhất chính là đào tạo con người làm công tác quản lý của nghệ thuật cải lương. TP HCM đã quen bổ nhiệm những chiếc ghế giám đốc không theo đúng chuẩn mực quản lý nghệ thuật. Chính vì yếu kém về yếu tố con người mà sân khấu cải lương tụt hậu do không có hình thức dàn dựng, biểu diễn mới, không đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng hôm nay.
Theo tôi, điều mà người làm quản lý nghệ thuật mang tầm chiến lược phải nhìn rõ, đó là sân khấu nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung muốn thăng hoa trước hết phải trang bị cho con người làm công tác quản lý, kỹ thuật, âm nhạc, mỹ thuật, trang phục kiến thức chuyên sâu. Vì lẽ đó, trong khi chờ đợi cơ chế chính sách mới, ngay từ bây giờ, TP HCM cần chọn lọc nguồn nhân lực cho công tác quản lý. Họ phải được trang bị kiến thức và tầm nhìn chiến lược cho việc điều hành các khâu từ quản lý đến chuyên môn (thiết kế mỹ thuật, họa sĩ, nhạc công, thiết kế phục trang, chuyên viên âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu, đồ họa vi tính, ứng dụng công nghệ... cho sàn diễn cải lương). Hãy nhớ, yếu tố con người cũng quyết định cho sản phẩm nghệ thuật khi mà sàn diễn không có nhiều tác phẩm mới, chạm đến trái tim công chúng.
Kế đến, điều khiến người làm nghề trăn trở chính là thiếu kịch bản đúng chất cải lương dù ngày nay có rất nhiều trại sáng tác được tổ chức nhưng lại bị lệch hướng do khuyến khích người viết cải lương chuyển thể từ kịch nói, điều này giết chết tính độc đáo mang tính tự sự của nghệ thuật cải lương. Nhiều trại sáng tác được tổ chức nhưng không có nhiều kịch bản được dàn dựng hoặc nếu có chỉ để dự liên hoan, hội diễn rồi cất vào kho, trong khi ngân sách dàn dựng mang tiếng để phục vụ chính trị, hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, định hướng thẩm mỹ của người xem thì vở diễn không đến được với công chúng... Phải thay đổi ngay cách làm này!
Cuối cùng, việc chi ngân sách theo "mặc định" cho các đơn vị quốc doanh đã giết chết sự năng động, sáng tạo cần có của các đơn vị. Họ cứ mặc nhiên nhận ngân sách nhà nước mà không cần trăn trở lên kế hoạch, chiến lược cho một năm hoạt động. Ðã đến lúc TP HCM cần ban hành quy chế duyệt đề án, chiến lược hằng năm của các đoàn, bên cạnh đó tạo cơ hội để các đơn vị xã hội hóa được đề xuất kế hoạch, chiến lược để hỗ trợ, giúp họ có tác phẩm mới đúng định hướng.
Bình luận (0)