TP HCM hiện có khoảng 13 triệu người đang sinh sống và làm việc, gia tăng dân số trung bình 1 triệu người sau mỗi 5 năm, mỗi năm tăng khoảng 200.000 người, đang đứng trước áp lực nặng nề về giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân. Nhiều năm qua, chính quyền TP đã có chủ trương phát triển nhà ở nhưng thống kê cho thấy đến nay chỉ mới đáp ứng khoảng 15% nhu cầu; vi phạm xây dựng, nhất là nhà ở, có dấu hiệu tăng cao, khoảng 6.830 công trình xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp phép, làm nhà trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng…
Thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp
Tại TP HCM, người thu nhập thấp rất khó sở hữu nhà hợp pháp dù cố gắng tích cóp nhiều năm. Cũng có vài doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân nhưng số này khá ít dù chính quyền đã có chính sách khuyến khích như bố trí ưu đãi quỹ đất, miễn thuế sử dụng đất, giảm thuế đầu vào, giảm thuế thu nhập, kéo dài thời gian cho vay với lãi suất thấp.
TP HCM chưa có nhiều loại căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội cho thuê. Nhà lưu trú công nhân hầu như chỉ là phòng ở tập thể trong khi nhu cầu xã hội đang cần loại nhà ở cho gia đình. Phần lớn người dân thuê trọ sinh sống trong điều kiện thiếu thốn, chật chội, không bảo đảm an toàn. Trong khi nhiều quận, huyện tồn đọng nhà ở, hơn 14.000 căn hộ phục vụ tái định cư bỏ hoang đã lâu, trong đó có gần 4.000 căn hộ ở ngay vị trí "đất vàng" Thủ Thiêm.
TP HCM có trên 4.800 dự án quy hoạch dự kiến thực hiện trong 4 năm từ 2016 đến 2020 nhưng số lượng dự án quy hoạch được triển khai khá ít, hàng loạt dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất khá lâu nhưng vẫn còn nằm trên giấy do quy hoạch không phù hợp, thiếu khả thi, thiếu vốn, chủ đầu tư thiếu năng lực… Kéo theo đó là các quy hoạch trong nhiều năm trở thành dự án treo khiến cuộc sống người dân đảo lộn, thiếu đất cho nhà ở.
TP HCM nên xây nhiều nhà giá rẻ tại vùng ven phục vụ người dân có thu nhập thấp. (Trong ảnh: Nhà ở xã hội ở Bình Dương) Ảnh: Như Phú
Cần nhiều giải pháp
Nhu cầu nhà ở rất cao với công nhân, người thu nhập trung bình và thấp. Quỹ đất ở đủ điều kiện hợp pháp để được cấp phép xây dựng khá ít, càng trở nên khang hiếm bởi vướng nhiều dự án quy hoạch treo lâu năm.
Nên chăng, rà soát lại tất cả quy hoạch và có hướng xử lý cụ thể. Loại bỏ những quy hoạch kéo dài qua nhiều năm đã giao đất nhưng không thực hiện, thu hồi các dự án thiếu khả thi không có cơ sở triển khai để tạo điều kiện cho người dân ở đó xây nhà ở hợp pháp.
Quy hoạch nhà ở phù hợp với phát triển dân số, chuyển mục đích đất nông nghiệp sang đất ở sao cho người nghèo có thể sở hữu xây nhà và tránh đầu cơ đẩy giá lên cao; xây dựng nhà giá rẻ (khoảng 200-300 triệu đồng) tại vùng ven phục vụ số đông người dân như đã làm thành công ở Bình Dương, Đồng Nai. Điều chỉnh chỉ tiêu quy mô dân số các quận, huyện ở mức độ hợp lý tạo điều kiện để phát triển nhà ở, đồng thời chỉnh trang, phát triển đô thị bền vững.
Nhiều TP lớn trên thế giới có chính sách ưu tiên cho người dân vay tiền mua nhà giá rẻ hoặc trả góp và kéo dài thời gian trả nợ 20-40 năm (có thể lên đến 50-70 năm). Hoặc chính quyền xây nhà cao tầng với hàng triệu căn hộ bán không tính lợi nhuận, đem ra đấu giá kêu gọi nhà đầu tư tham gia được hòa vốn và có lãi từ quỹ đất cho thuê mặt bằng phía dưới để buôn bán, kinh doanh dịch vụ thương mại, siêu thị, ăn uống… Qua đó, đã cho thấy sự thành công trong quản lý, kéo giảm giá nhà đất, hạn chế đầu cơ bất động sản, khuyến khích đầu tư sản xuất, giảm các tệ nạn xã hội.
TP HCM cũng nên nghiên cứu chính sách này. Đây còn là cách phát triển nhà ở xã hội kết hợp mô hình thương mại để hình thành những khu đô thị, nhà ở bình dân vừa túi tiền người nghèo. Những nhà ở này có thể vừa phục vụ hiện tại, quy hoạch trở thành đô thị vệ tinh cho TP trong tương lai. Hơn 14.000 căn hộ tái định cư để không nhiều năm cũng có thể bán giá rẻ cho người nghèo, thu nhập thấp. Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ phát triển nhà ở TP ngoài phục vụ cán bộ công chức, viên chức vay ưu đãi cần xem xét áp dụng cho người thu nhập thấp chưa có nhà ở.
Mời bạn đọc tham gia hiến kế cho TP HCM
Báo Người Lao Động mở diễn đàn "Lắng nghe người dân hiến kế" trên báo giấy và mở thường xuyên trên Báo Người Lao Động điện tử để tiếp nhận hiến kế của người dân.
Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn và để lại thông tin liên hệ (số điện thoại). Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều hiến kế, giải pháp khả thi, qua đó góp phần xây dựng TP sáng tạo, đi đầu, cùng cả nước - vì cả nước.
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)