Ông LƯ NGUYỄN XUÂN VŨ, Chủ tịch CLB Tam Nông - Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư phát triển nông nghiệp Việt Nam:
Đừng để DN nhỏ bị bỏ lại phía sau!
Đại đa số doanh nghiệp (DN) nhỏ, siêu nhỏ ở TP HCM nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung không có nguồn lực về vốn, con người như DN lớn; không có khả năng cạnh tranh trả lương cao để hút người tài giỏi. Họ phải tự đào tạo nhân lực để sử dụng và không ít trường hợp lao động sau khi được đào tạo, vững vàng về kiến thức chuyên môn, tay nghề thì nhảy việc.
Vì vậy, để giải bài toán nguồn nhân lực, rất cần TP hỗ trợ DN phát triển nguồn nhân lực thông qua các chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo (có thể bằng hình thức xã hội hóa hoặc các chương trình tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm từ những DN thành công đi trước). Nói cách khác, TP có thể khuyến khích, định hướng DN thành công trở thành những đầu tàu chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, kinh nghiệm phát triển nguồn lực con người để DN nhỏ học hỏi. Mô hình "Cà phê doanh nhân" của Hiệp hội DN TP HCM và các hội DN quận, huyện là chương trình chia sẻ khá thành công. Nhiều "anh cả" trong hiệp hội, hội đã dẫn dắt, giúp đỡ DN đi sau tiến lên phía trước. Cộng đồng DN nhỏ và vừa rất cần có thêm những chương trình hoạt động như vậy.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần những chính sách hỗ trợ thiết thực để phát triển. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH
Về nguồn lực tài chính, cạnh tranh thị trường giai đoạn hiện tại với sự tham gia của rất nhiều DN trong cũng như ngoài nước, nhiều sản phẩm dịch vụ nội địa lẫn nhập khẩu đòi hỏi DN phải liên tục đổi mới, cải tiến máy móc, thiết bị để tạo ra sản phẩm đủ tính cạnh tranh. Với lãi suất cho vay trên 10%/năm như hiện tại, DN không dám đầu tư cải tiến trang thiết bị, thay đổi công nghệ dù biết cải tiến là sống còn và sẽ mang lại lợi ích cho DN.
TP đang có một số chương trình hỗ trợ vay vốn kích cầu, hỗ trợ vốn cho DN các ngành chủ lực đầu tư máy móc, thiết bị... nhưng đa số DN không tiếp cận được nguồn vốn này. Quá nhiều DN có nhu cầu trong khi nguồn vốn hỗ trợ hạn chế nên có sự chọn lọc, nhiều DN không được vay. Thay vì TP hỗ trợ bù lãi suất 100% cho DN, có thể linh hoạt cho vay bù lãi suất 50%, 40%... và tạo cơ hội cho những DN nhỏ có dự án nhỏ, chỉ cần vay vài tỉ đồng được tiếp cận vay vốn. Đừng để DN nhỏ bị bỏ lại phía sau bởi tất cả DN lớn ở TP đều xuất thân từ DN nhỏ.
Về thủ tục hành chính, TP HCM muốn xây dựng TP thông minh thì các tiện ích phải thông minh. Nên đưa một lộ trình thời gian thực hiện bãi bỏ 90%-95% thủ tục giấy để chuyển sang thủ tục điện tử. Làm được như vậy sẽ hạn chế được tiêu cực, tâm lý "xin - cho". Khi các giấy tờ chứng nhận được cấp điện tử và lưu trữ trên hệ thống, cơ quan nhà nước hoặc khách hàng chỉ cần nhấp chuột để kiểm tra, DN cũng đỡ phải lưu trữ giấy tờ hồ sơ.
TS kinh tế HUỲNH TRUNG MINH:
Cần định hướng, chiến lược cụ thể
Đến thời điểm hiện tại, dù vốn không còn là vấn đề bức bách hàng đầu trong những khó khăn của cộng đồng DN nhưng với các DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ thì việc tiếp cận vốn vẫn… khó.
Bởi nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng (NH) thương mại, quỹ đầu tư hay các quỹ hỗ trợ, vốn kích cầu… đều đòi hỏi bài toán về tính hiệu quả. Riêng với NH thương mại, cấp tín dụng từ nguồn huy động của khách hàng nên yêu cầu về thủ tục, hồ sơ giấy tờ và phương án khả thi của dự án thời điểm nào cũng vậy. Dù các NH hiện nay đã cải thiện nhiều về dịch vụ, nỗ lực đáp ứng nhiều hơn yêu cầu của khách hàng DN nhưng việc bảo đảm vốn khi cho vay vẫn là hàng đầu và NH ràng buộc điều kiện chặt từ phía DN là dễ hiểu.
Với lãi suất, mức lãi suất theo thị trường và cũng được áp dụng dựa trên rủi ro của từng khoản vay, từng nhóm đối tượng khách hàng, chỉ một số chương trình ưu đãi tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên cụ thể theo chỉ đạo của nhà nước, Chính phủ và NH Nhà nước mới có mức lãi suất thấp, hấp dẫn… Lúc này, giải pháp là cơ quan quản lý có chính sách kêu gọi các NH thương mại dành ra những gói vay ưu đãi cho DN tiếp cận, nên có nguồn vốn ưu đãi thường xuyên cho những DN ở lĩnh vực được ưu tiên, khuyến khích. Khi DN làm ăn hiệu quả dần lên sẽ chuyển sang vay vốn như bình thường.
Dù vậy, bài toán với các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ lúc này không chỉ là vốn, mà quan trọng là đầu tư cho nguồn lực con người, đầu tư về bộ máy, quản trị để phát triển lâu dài thì nhiều DN chưa quan tâm sâu sắc, đầu tư triệt để. Có một thực tế là nguồn nhân lực không thích làm cho DN nhỏ, khi đã phát triển và giỏi lên, họ sẽ nhảy việc đến các tập đoàn lớn, thậm chí DN đa quốc gia nên thu hút nhân tài cũng là vấn đề đau đầu.
Ở góc độ nhà nước, để hỗ trợ thúc đẩy cộng đồng DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ tại TP HCM phát triển, TP cần hỗ trợ DN đào tạo nguồn nhân lực, có các chương trình liên kết đào tạo nguồn nhân lực bài bản giữa các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn với DN, gắn vừa học vừa thực hành. Quan tâm đúng mức tới nguồn nhân lực chất lượng cao để cung cấp cho thị trường, DN.
Cái DN cần quan tâm lúc này là những định hướng, chiến lược phát triển dài hạn, bài bản và căn cơ. Chẳng hạn, những ngành nghề trọng điểm của TP sẽ được tập trung đầu tư phát triển, thu hút mạnh mẽ trong tương lai là gì? Từ đó, có cơ quan, đơn vị nhà nước nào đứng ra tư vấn cho DN biết thế mạnh của họ? Các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ nên tập trung phân khúc thị trường nào? Ngành nghề nào được khuyến khích, được hưởng chính sách ưu đãi từ TP?...
"Định hướng chiến lược, đưa ra dự báo về thị trường, từ đó cung cấp cho DN cái nhìn bao quát về định hướng phát triển của TP, cũng là một cách hỗ trợ đồng hành thiết thực…".
TS kinh tế HUỲNH TRUNG MINH
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)