Nhiều bạn đọc đã thích thú với hiến kế "Cầu đi bộ nhiều tầng hình thức BOT" của Kiến trúc sư Phạm Sỹ Nhật. Bạn đọc Hoang Son đã phấn khởi viết: Quá chuẩn, tôi thấy sáng kiến và thiết kế như này là tuyệt vời.
"Nếu xây nhà hàng trên đó thì TP cho đấu thầu lấy tiền cho ngân sách, tội gì cho không"; "Cầu đi bộ nên bố trí chỗ trú mưa và nhà vệ sinh trên cầu, có quán cà phê để nghỉ chân nữa thì tốt, nếu có thêm xe điện nhẹ chạy trên cầu thì tuyệt vời"; "Hay, rất hay... có thể kết hợp tổ chức thêm sự kiện vui chơi, giải trí dưới nước nữa, đây có lẽ sẽ là mô hình giải quyết bài toán nhà ở trong tương lai"- nhiều bạn đọc góp ý thêm.
Hiến kế “Cầu đi bộ nhiều tầng hình thức BOT” của Kiến trúc sư Phạm Sỹ Nhật.
Bạn đọc Nguyễn thì trao đổi mở rộng thêm "Việc cho thuê kinh doanh, buôn bán trên cầu như vậy có ảnh hưởng đến tải trọng của cầu? Việc xây dựng như vậy phương án phòng cháy, chữa cháy sẽ như thế nào? Cần lưu tâm đến những yếu tố này".
Với hiến kế: Để TP HCM trở thành đô thị hấp dẫn của tác giả Nguyễn Đăng Sơn (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng), bạn đọc "Trump" trao đổi và đề xuất thêm: Muốn TP HCM hấp dẫn, để khả thi chúng ta nên chọn làm cho tới nơi tới chốn từng việc một, chẳng hạn chọn làm trước chuyện xử lý rác. Chính quyền và người dân phải cùng nhau quyết liệt làm tốt việc phân loại rác tại nhà trước khi bỏ ra ngoài. Phải xây dựng cho được thói quen ý thức về xử lý rác: khi bỏ rác ra ngoài phải được phân loại, chỉ bỏ rác ra trước nhà theo giờ quy định, ai làm không đúng, ai xả rác bừa bãi thì phạt nghiêm minh. Khi TP đã thật sự là "TP không rác", chúng ta sẽ làm tiếp đến cái khác.
Đối với hiến kế: Sử dụng nước mưa phục vụ sinh hoạt, bạn đọc Hứa Do trao đổi thêm: Đây là một hiến kế hay, nhưng cần lưu ý thêm yếu tố an toàn khi sử dụng nước mưa. TP HCM là nơi tập trung đông dân cư, số lượng xe tham gia giao thông cao, cộng thêm nhiều yếu tố khác khiến không khí TP đang bị ô nhiễm. Nước mưa đi qua bầu không khí bị ô nhiễm này sẽ có nguy ơ trở thành mưa acid. Dùng nước mưa này liệu có an toàn không, cần phải chú ý làm rõ vấn đề này. Chúng ta cần nghiên cứu biện pháp xử lý ô nhiễm nước mưa trước khi sử dụng; cũng có thể chỉ tận dụng nguồn nước mưa cho các loại hình phù hợp như tưới cây (hộ gia đình, và công viên), dịch vụ rửa xe, tái bổ trợ cho nước ngầm…
Nên chăng cho phép phát triển chiều cao nhưng giảm mật độ, tăng cường việc tạo mảng xanh và các tiện ích công cộng?- nhiều bạn đọc gợi ý.
Cuối cùng với hiến kế cho TP HCM: Cần giảm mật độ xây dựng cao tầng khu trung tâm cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý của bạn đọc. Nhiều bạn đọc gợi ý: Nên chăng cho phép phát triển chiều cao, nhưng giảm mật độ, tăng cường việc tạo mảng xanh và các tiện ích công cộng.
Bạn đọc Khang Trần phân tích và đề nghị: Người xưa dạy: dụng nhân như dụng thân. Bác Hồ dạy: khó ngàn lần dân liệu cũng xong. Trí tuệ trong dân rất lớn. Cần tổ chức bộ máy thật phù hợp để tiếp nhận hiệu quả nguồn sức dân hiến kế.
Bình luận (0)