Nhà ở xã hội là nhu cầu của người lao động có thu nhập thấp, cũng là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và trách nhiệm an sinh xã hội của nhà nước. Tuy nhiên, một số kế hoạch xây dựng, phát triển nhà ở xã hội đang bị trì hoãn; một số chưa đủ tạo ra hiệu quả tích cực... Những khó khăn này cần có kế hoạch, giải pháp rõ ràng để từng bước tháo gỡ.
Có chính sách phù hợp, hiệu quả
Quỹ đất ở trung tâm TP HCM rất hạn hẹp. Nếu muốn xây dựng nhà ở xã hội, bắt buộc phải lựa chọn những vị trí đất ở xa trung tâm, những nơi cần kêu gọi dân cư đến sinh sống để phân bố đồng đều và phù hợp về mật độ dân cư giữa các vùng miền.
Các khu công nghệ cao hiện được bố trí tập trung những khu nhà máy sản xuất. Nếu bố trí khu nhà ở cho công nhân ở xa khu làm việc thì cần tận dụng được những tuyến đường di chuyển có xe buýt, tàu điện... Nên phát triển khu nhà tiết kiệm diện tích bằng việc xây dựng nhiều tầng, chung khu bếp, khu vui chơi, khu để xe... Bên cạnh đó, cần chú ý xây dựng thêm khu siêu thị, phòng khám bệnh, công viên, thư viện, trường học,...
Vai trò của nhà nước rất quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện chính sách xây dựng nhà ở xã hội Ảnh: QUỐC ANH
Cần có những chính sách ưu đãi cho cá nhân, doanh nghiệp tư nhân, đoàn thể xã hội trong nước. Các khu phòng trọ của tư nhân đầu tư xây dựng đã nhiều. Nếu huy động tư nhân đầu tư theo các gói với quy mô đa dạng thì sẽ giảm bớt sự phân bố nhà trọ tự phát, lộn xộn, khó quản lý. Nhà nước là chủ quản nhưng phân chia thành những gói kêu gọi đầu tư nhỏ, trung bình, lớn cho phù hợp với túi tiền nhà đầu tư tư nhân. Nên huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong nước trước khi kêu gọi nguồn đầu tư từ nước ngoài.
Việc xây dựng hành lang pháp lý, các quy định để xây dựng, vận hành nhà ở xã hội là rất cần thiết. Khi các quy định được đưa ra hợp tình, hợp lý, đem lại hiệu quả cao sẽ góp phần thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển theo hướng đúng đắn.
Tùy vào chi phí xây dựng, vị trí khu nhà ở xã hội, thu nhập theo tháng của công nhân mà quy ra cho mua hay thuê lại nhà ở xã hội, bảo đảm nơi "an cư" để người lao động an tâm "lạc nghiệp". Bên cạnh đó, cần có chính sách phù hợp trong việc quản lý, hỗ trợ người lao động thu nhập thấp không thuộc các công ty, xí nghiệp.
Ưu tiên nhà ở xã hội cho thuê
Với mức thu nhập hiện tại, mong muốn của nhiều công nhân là được thuê nhà với giá ưu đãi, ổn định hoặc điều chỉnh với tỉ lệ tăng không đáng kể; thời hạn cho thuê vài năm. Yếu tố nhà thuê ổn định rất quan trọng vì giúp người lao động có "chỗ ở hợp pháp" để con cái có thể học trường công, mua bảo hiểm y tế diện gia đình… Ngoài ra, người thuê nhà ở xã hội cũng cần các loại phí dịch vụ theo giá ưu đãi, được bảo đảm cung cấp dịch vụ vệ sinh, giữ xe… cơ bản.
Để cung cấp được những căn hộ như thế, tỉnh, thành phố nên là chủ đầu tư dự án, sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Các công ty xây dựng, công ty bất động sản nếu tham gia những dự án này sẽ qua hình thức đấu thầu và chỉ là nhà thầu từng công đoạn. Nguồn vốn đầu tư công rót vào lĩnh vực nhà ở xã hội sẽ bảo đảm tính chất phi lợi nhuận của dự án, qua đó tạo nơi an cư, sự ổn định của nguồn lực lao động, chăm lo đời sống cho hàng triệu người nhập cư.
Việc xét duyệt để những căn hộ nhà ở xã hội được cho thuê đúng đối tượng cũng rất quan trọng. Việc đánh giá đâu là đối tượng được thuê nhà ở xã hội cần sự vào cuộc của tổ chức Công đoàn. Từ Công đoàn cơ sở đến Công đoàn cấp trên cần sát sao, thể hiện vai trò bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đoàn viên của mình khi tiếp cận nhà ở xã hội cho thuê giá rẻ.
Cải cách thủ tục, xoay nhanh nguồn vốn
Vai trò của nhà nước rất quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện chính sách xây dựng nhà ở xã hội. Cần thành lập cơ quan chuyên trách với sự tham gia của các chuyên gia về quản lý, hỗ trợ, phân phối và phát triển nhà ở xã hội.
Để quản lý thị trường nhà ở tốt hơn, cần có những quy định chặt chẽ về giá mua, thuê nhà ở bởi đối tượng mua, thuê là người có thu nhập thấp. Khi có chính sách ưu đãi thì dễ nảy sinh tiêu cực trong phân phối. Vì vậy, phải có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ hoạt động mua bán, chuyển nhượng; có giải pháp triệt để trong thủ tục xác nhận điều kiện sống, điều kiện vay vốn ưu đãi để người thật sự có nhu cầu dễ dàng tiếp cận.
Cần thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở. Doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp sẽ được vay vốn ở ngân hàng này với lãi suất ưu đãi. Hằng tháng, người mua nhà sẽ đóng một khoản nhất định để sau khi doanh nghiệp xây dựng xong thì số tiền mà người mua đóng bảo đảm không ít hơn 60% giá trị căn hộ. Sau khi doanh nghiệp bàn giao nhà thì ngân hàng tiết kiệm sẽ bù 40% giá trị còn lại và giao đủ số tiền cho doanh nghiệp.
Khi nhiều người cùng đóng góp mua nhà, ngân hàng tiết kiệm sẽ lấy các khoản đóng góp của người mua sau bù vào cho người mua trước và vòng quay này sẽ được quay vòng liên tục. Cần khuyến khích và tốt nhất là bắt buộc đối với người có nhu cầu mua nhà ở xã hội tham gia ngân hàng tiết kiệm, khuyến khích chủ doanh nghiệp tích lũy cùng người lao động để hỗ trợ họ khi mua nhà ở xã hội.
Chung Thanh Huy
Bình luận (0)