Sau bài viết "Lắng nghe người dân hiến kế" đăng trên Báo Người Lao Động số ra ngày 24-9, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý quan tâm đến chủ đề này với mong muốn có những giải pháp khả thi giải quyết các điểm nghẽn ở những lĩnh vực quan trọng như y tế, môi trường, quy hoạch, kiến trúc, giao thông, kinh tế…, góp phần xây dựng TP sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước.
Y tế là ưu tiên hàng đầu
Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, kinh tế - xã hội của nước ta ngày càng phát triển, vậy nên những thứ tạo nên chất lượng sống bây giờ đầu tiên phải là y tế, sau đó là môi trường. Vì vậy, nhà nước rất cần đầu tư cho lĩnh vực này.
"Theo ý kiến của tôi, để BV hết quá tải, tránh những sai sót y tế mà dư luận nói đến thời gian qua, điều đầu tiên phải làm là xây thêm, mở rộng BV, nhất là các BV lớn, có thương hiệu. Hiện nhiều BV lớn nhưng chỉ có một phòng cấp cứu và luôn quá tải, nhân viên y tế làm việc với áp lực kinh khủng, bệnh nhân nằm chật chội. Lẽ ra BV tuyến trên và có thương hiệu, thường xuyên tiếp nhận những chuyến cấp cứu từ BV khác chuyển đến và cả người dân vì tin tưởng mà tự đến, cần được đầu tư một phòng cấp cứu lớn gấp 3-4 lần, với số nhân viên y tế gấp nhiều lần, vì đã là BS thì không thể từ chối bệnh nhân đến cấp cứu, cho dù có bị quá tải. Khoản đầu tư đó, theo tôi, không phải là quá lớn với một TP như TP HCM. Điều trăn trở là chúng ta đầu tư ra sao để đạt hiệu quả tốt nhất, người dân được hưởng lợi nhiều nhất" - BS Đỗ Trọng Ánh nói.
Trong khi đó, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho rằng khi thảo luận kế hoạch phát triển BV, cần dựa trên một câu hỏi cốt lõi: "Người bệnh kỳ vọng gì?". Đó là sự thuận lợi hơn, chất lượng hơn của dịch vụ khám chữa bệnh; dễ dàng tương tác với nhân viên y tế; được khám chữa bệnh trong môi trường thân thiện, xanh - sạch - đẹp. Quan trọng nhất, phải có hệ thống tiếp nhận và lắng nghe phản hồi của người bệnh để liên tục cải thiện, nâng cao chất lượng.
"Mỗi ngày, BV Nhân dân Gia Định tiếp nhận tới hơn 5.000 lượt khám ngoại trú, 1.500 bệnh nhân nội trú và 300 lượt cấp cứu. Áp lực quá tải luôn hiện diện. Vì vậy, phải luôn củng cố hạ tầng công nghệ thông tin, các giải pháp thông minh, các mô hình chất lượng cao. Đơn cử mô hình "Khoa Khám bệnh thông minh" được áp dụng những năm gần đây đã giúp khoa khám bệnh của chúng tôi thay đổi bộ mặt. Con số 5.000 lượt người khám được giải quyết nhanh chóng nhờ mô hình này chủ động phân phối hợp lý người bệnh vào các khâu đăng ký, khám bệnh, làm xét nghiệm, đóng viện phí, cấp phát thuốc…, giúp rút ngắn thời gian chờ đợi rất nhiều, toàn bộ khu vực trật tự, tiện nghi và văn minh hơn" - TS-BS Nguyễn Anh Dũng dẫn chứng.
BV Nhân dân Gia Định cũng đang trên lộ trình xây dựng bệnh án điện tử hoàn chỉnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và nhiều giải pháp công nghệ thông tin đồng bộ khác theo lộ trình xây dựng y tế thông minh của TP HCM, song song với việc phát triển các chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao.
Lãnh đạo TP HCM lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp về giải pháp phát triển nhà ở TP HCM tại một hội thảo mới đây Ảnh: Tấn Thạnh
Quy hoạch đô thị là xương sống
Bàn về quy hoạch đô thị, PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho rằng quy hoạch đô thị là xương sống giúp đô thị TP HCM phát triển bền vững. Lâu nay, tốc độ đô thị hóa tại TP phát triển rất nhanh, vượt xa dự báo trong quy hoạch tầm nhìn. Từ đó, hứng chịu những hậu quả nặng nề như ùn tắc giao thông, ngập nước…, năm sau hậu quả nặng nề hơn năm trước.
"Khi dự báo không chính xác với thực tế thì phải điều chỉnh ngay. Lâu nay, việc phát triển theo quy trình ngược. Khi cho phép hình thành một dự án, phải tính toán việc hàng ngàn người về đây sinh sống, đánh giá tác động lên toàn cảnh khu vực đó. Điển hình, theo quy hoạch sẽ có cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4… Thế nhưng, hiện nay các chung cư, khu dân cư ở quận 2 đã xây dựng trong khi cầu thì chưa hoàn thành dẫn đến hệ quả là kẹt xe nghiêm trọng ở bên trong hầm Thủ Thiêm. Cần thay đổi chính sách khi quy định cho phép chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn để đánh giá tác động môi trường (DTM). Đó là cần có một cơ quan độc lập đánh giá việc này. Chung quy, muốn tránh kẹt xe, ngập nước phải điều chỉnh quy hoạch thường xuyên, cập nhật theo tình hình thực tế" - PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp phân tích.
Quan tâm đến giải pháp bảo vệ môi trường cho 13 triệu dân TP HCM, TS Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh thái học Việt Nam, cho rằng nếu không có những giải pháp, TP HCM sẽ phải nhận lại bài học từ "cơn thịnh nộ" của biến đổi khí hậu như sụp lún trong lòng đất, nóng bức và ô nhiễm khí quyển.
"Thời gian qua, báo chí liên tục phản ánh việc lấn sông, lấp rạch. Tại khu vực Cần Giờ, Nhà Bè, quận 7… là nơi đón nhận nước từ trung tâm TP thải ra nhưng mấy năm nay, chúng ta cho phép lập dự án, xây dựng ồ ạt. Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn đang có nguy cơ bị bức hại. Vì vậy, cần có giải pháp để vừa phát triển kinh tế vừa bảo đảm môi trường thiên nhiên; quy hoạch lại huyện Cần Giờ như thế nào để bảo tồn "lá phổi xanh" của TP" - TS Vũ Ngọc Long gợi ý.
Mời bạn đọc tham gia hiến kế cho TP HCM
Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM vừa ban hành Kế hoạch số 305 về "Khảo sát, tiếp nhận ý kiến của nhân dân góp phần xây dựng TP HCM sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước". Việc lãnh đạo TP khuyến khích tiếp nhận ý kiến, đề án, chương trình, kế hoạch của các tầng lớp nhân dân TP, cán bộ nghỉ hưu, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà quản lý, đoàn viên, kiều bào... sẽ khơi dậy mạnh mẽ và toàn diện trí tuệ, kinh nghiệm của nhân dân, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc, các điểm nghẽn trong sự phát triển của TP, qua đó giúp TP phát triển nhanh, bền vững.
Từ hôm nay, Báo Người Lao Động mở diễn đàn "Lắng nghe người dân hiến kế" trên báo giấy và mở thường xuyên trên báo Người Lao Động điện tử để tiếp nhận những ý kiến đóng góp của người dân. Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều hiến kế, giải pháp khả thi, qua đó góp phần xây dựng TP sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước.
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)