Công vụ là hoạt động mang tính quyền lực - pháp lý, được thực hiện bởi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) nhà nước. Công vụ là phục vụ nhà nước, phục vụ nhân dân, gắn với quyền lực nhà nước. Ở các quốc gia khác nhau, khái niệm về công vụ cũng được hiểu theo nhiều cách khác nhau.
Không thể "mặc chung một chiếc áo"
Ở Việt Nam, công vụ được hiểu là thuộc khu vực công, tương ứng với "hệ thống chính trị"; chủ thể trực tiếp hoạt động công vụ là CB- CC-VC của cả hệ thống này trong thực thi chức năng, nhiệm vụ công theo quy định của pháp luật.
Để TP HCM trở thành TP có vị thế trong khu vực về mọi mặt và là TP đáng sống, trước hết, nền công vụ TP phải có những bứt phá, bắt kịp xu thế của một nền công vụ tiên tiến.
Cụ thể, về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, TP cần kiến nghị Chính phủ cho TP tổ chức các sở, ban, ngành (cơ quan giúp việc UBND) theo hệ thống dọc để phù hợp đặc trưng của đô thị là quản lý tập trung, liên tục, thống nhất. Tổ chức quản lý đô thị địa bàn hẹp dân cư và cơ sở hạ tầng tập trung phải khác với tổ chức quản lý nông thôn địa bàn dân cư phân tán. Đô thị và nông thôn không thể "mặc chung một chiếc áo" về mô hình tổ chức quản lý.
Đối với việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CB-CC, TP đang thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Theo đó, HĐND TP ban hành Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND quy định chi thu nhập tăng thêm cho CB-CC-VC sẽ làm động lực cho CB-CC TP thực thi tốt công vụ. Để tạo sự công bằng trong việc đánh giá đúng thành quả lao động của mỗi cá nhân, TP nên thí điểm chế định sát hạch định kỳ CB-CC-VC; hay đánh giá dựa vào kết quả đầu ra (PMS) một cách khách quan, khoa học, định lượng thay cho cách bình bầu cuối năm rất hình thức, nặng về cảm tính, định tính. Đồng thời, đổi mới nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ... Tích cực chuyển đổi từ đào tạo "chức nghiệp" sang đào tạo theo định hướng "năng lực, kỹ năng".
Về nội dung cải cách tài chính công, TP cần mạnh dạn xã hội hóa, thành lập các công ty dịch vụ phục vụ hoạt động của các cơ quan hành chính. Trước mắt cho thí điểm ở một vài quận, huyện, sở, ngành rồi tổng kết, nhân rộng. Ví dụ cơ quan có nhu cầu xe thì ký hợp đồng với công ty dịch vụ bảo đảm phục vụ đầy đủ các nhu cầu công vụ. Làm như vậy sẽ tiết kiệm nhiều, tránh tình trạng lạm dụng biến xe công thành xe riêng, ngoài ra còn giảm được biên chế tài xế. Hơn nữa, nếu thực hiện phương thức hợp đồng dịch vụ tương tự đối với các việc như vệ sinh, bảo vệ, chăm sóc cây xanh, bảo trì điện nước, căng-tin... thì sẽ giảm được bộ phận quản trị của cơ quan. Việc xã hội hóa công tác phục vụ cho các cơ quan công quyền hoạt động là góp phần quản lý tài sản công có hiệu quả, ngăn ngừa tệ tham nhũng trá hình, giảm đặc quyền đặc lợi, tạo công bằng xã hội.
Nền công vụ TP HCM phải có những bứt phá, bắt kịp xu thế của một nền công vụ tiên tiến. Ảnh: TẤN THẠNH
Chế độ cam kết phục vụ nhân dân
Cần đẩy mạnh việc thực hiện chính quyền điện tử, phấn đấu đặt chỉ tiêu thi đua giữa các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã đến năm 2020 đạt 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Ngoài ra, cần thêm vào hay tiếp tục duy trì những sáng kiến như sử dụng hồ sơ điện tử của công dân; thực hiện cơ chế liên kết trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện giữa các sở, ban, ngành; dịch vụ chuyển phát nhanh kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo địa chỉ yêu cầu của công dân… Cần bổ sung nội dung xây dựng "chế độ cam kết phục vụ nhân dân" nhằm mục tiêu nâng cao trình độ phục vụ nhân dân và mức độ hài lòng của công chúng đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ hành chính công và dịch vụ công, ngăn chặn nhũng nhiễu, vòi vĩnh.
"Chế độ cam kết phục vụ nhân dân" là một việc mới trong lĩnh vực quản lý công cộng ở các nước. Đó là một cơ chế hữu hiệu để nâng cao hiệu quả của các cơ quan cung cấp dịch vụ hành chính công, dịch vụ công. Nội dung chủ yếu của "Chế độ cam kết phục vụ nhân dân" có thể khái quát là: Công khai cam kết với xã hội về hoạt động của cơ quan; tiếp nhận sự giám sát của xã hội, hình thành một sức ép từ bên ngoài, chuyển hóa sức ép đó thành động lực bên trong để không ngừng cải tiến công tác nâng cao chất lượng phục vụ; thông báo công khai với công chúng: nội dung, tiêu chuẩn, trách nhiệm của từng cơ quan trong việc phục vụ xã hội, đồng thời chịu sự giám sát của công chúng nhằm nâng cao trình độ và chất lượng phục vụ.
Thời gian qua, TP đã bắt đầu quan tâm đến sự hài lòng của nhân dân thông qua việc tiến hành lấy phiếu điều tra sự hài lòng của nhân dân đối với hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công của cơ quan công quyền. Đã đến lúc việc cam kết phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân của các cơ quan công quyền phải đặt thành chế độ, được quy định có tính chất bắt buộc bằng một văn bản có giá trị pháp lý cao và được sự giám sát của công chúng.
Tích cực triển khai đô thị thông minh
TP cần tích cực triển khai từng bước "Đô thị thông minh" vì TP thông minh sẽ đồng hành với một nền hành chính hoàn hảo. Qua đó, tạo thuận lợi đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính, cải cách có hiệu quả thủ tục hành chính; xây dựng đội ngũ CB-CC xứng tầm, thực hiện tốt tinh giản biên chế; thay đổi lề lối làm việc, thái độ phục vụ của chính quyền, tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền với dân.
Để làm được như vậy, cần sự chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt của lãnh đạo TP, các cấp, các ngành. Công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra về cải cách hành chính phải được tiến hành thường xuyên, đặc biệt ở những đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém nhằm tạo kết quả chuyển biến thực sự rõ nét về kỷ luật, kỷ cương hành chính, năng lực quản lý, điều hành và chất lượng dịch vụ công. Ngoài ra, cần quan tâm cải thiện các chỉ số PCI, PAR Index, ICT-Index (chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin). Việc xếp hạng về cải cách hành chính hằng năm trong nội bộ TP phải thực sự tạo động lực thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ quan, đơn vị. Từ đó, lãnh đạo ở từng đơn vị quan tâm, đầu tư nhiều thời gian, nguồn lực hơn để cải thiện thứ hạng của đơn vị mình.
Mời bạn đọc tham gia hiến kế cho TP HCM
Báo Người Lao Động mở diễn đàn "Lắng nghe người dân hiến kế" trên báo giấy và mở thường xuyên trên Báo Người Lao Động điện tử để tiếp nhận những ý kiến đóng góp của người dân. Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều hiến kế, giải pháp khả thi, qua đó góp phần xây dựng TP sáng tạo đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước.
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)