Từ nhiều thập kỷ nay, thế giới biết đến sự ra đời và sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa gắn liền với nền văn hóa đại chúng, được sản xuất theo phương thức công nghiệp với sự kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa, nghệ thuật với kinh tế và công nghệ. Trong các ngành này, việc sử dụng trí tuệ của con người là then chốt, toàn bộ quá trình sản xuất mang dấu ấn sáng tạo cá nhân, sản phẩm được sản xuất và phân phối theo nhiều cấp độ khác nhau. Sự sáng tạo, tính năng động trong kinh doanh kết hợp với tiến bộ của công nghệ tạo nên giá trị và thương hiệu cũng như mức độ phổ biến của các sản phẩm công nghiệp văn hóa.
Nhiều năm qua, tỉ lệ đóng góp nguồn thu của TP HCM cho ngân sách nhà nước luôn ở mức cao nhất. Điều này cho thấy sự năng động và cởi mở trong hoạt động kinh tế, việc tiếp nhận và phát huy nguồn nhân lực nhiều trình độ từ mọi nơi về TP HCM, trong đó có sự đóng góp nhất định của các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Công nghiệp văn hóa TP HCM có một nền tảng văn hóa vững chắc: Sài Gòn - TP HCM là một đô thị có những đặc trưng về lịch sử - xã hội độc đáo vì đã trải qua quá trình hình thành và phát triển một cách cởi mở, năng động; là nơi tập hợp nhiều nguồn dân cư, hình thành các cộng đồng với các nền văn hóa phong phú, đa dạng...
Về môi trường và cảnh quan, đây là một đô thị sông nước mang tính chất điển hình của các đô thị Nam Bộ. Trung tâm TP HCM với nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật (công sở, khách sạn, nhà hát...), khu vực các con đường Lê Duẩn - Đồng Khởi - Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng được coi là "vùng di sản đô thị" cũng như khu vực Chợ Lớn - quận 5. Tuy nhiên, những tiềm năng lịch sử - xã hội này chưa được các ngành công nghiệp văn hóa tận dụng và phát huy giá trị. Các sản phẩm văn hóa còn ở dạng thô sơ, giá trị kinh tế không cao.
Để có thể phát triển công nghiệp văn hóa nhanh và mạnh hơn, đưa TP HCM trở thành một trung tâm văn hóa hiện đại của khu vực, cần khắc phục sự hạn chế về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Là một đô thị lớn và hiện đại nhưng phần lớn dịch vụ lưu trú là hệ thống khách sạn các cấp chủ yếu phục vụ du lịch mà chưa tham gia chuỗi cung ứng của công nghiệp văn hóa. TP HCM chưa có cơ chế phù hợp để khuyến khích xã hội hóa các cơ sở công nghiệp hiện đại phục vụ công nghiệp văn hóa. Đồng thời, cần hình thành môi trường đào tạo công nghiệp văn hóa một cách toàn diện, nhất là về quy trình công nghiệp văn hóa trong từng lĩnh vực cụ thể. Nguồn nhân lực có kiến thức (kỹ thuật hiện đại, quản trị, kinh doanh...) về công nghiệp văn hóa mà TP hiện có phần lớn nhờ tự học theo kiểu kinh nghiệm truyền nghề, số rất ít được đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài từ kinh phí cá nhân.
TP HCM là một đô thị năng động và có tiềm năng lớn trong hoạt động giao lưu và hội nhập kinh tế - văn hóa với các nước trên thế giới. Nhờ đó, TP HCM luôn được nhận diện là một "đô thị hiện đại" bằng sự tiếp nhận và ứng dụng những trào lưu, thiết chế văn hóa mới và ứng dụng các phương thức kỹ thuật mới của quốc tế vào hoạt động văn hóa. Trong thế kỷ XXI "thời đại toàn cầu hóa", các ngành công nghiệp văn hóa sẽ là "tấm gương" phản ánh sự hiện đại, thông minh của TP HCM một cách trung thực và toàn diện.
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)