Cụ thể, chiến lược phát triển TP Thủ Đức cần cùng lúc đạt 3 mục tiêu: Nhanh chóng quảng bá "Thủ Đức - Việt Nam" - TP mới thành lập - ra các TP lớn trên thế giới một cách sáng tạo, thần tốc, hiệu quả, ít tốn tiền nhưng bền vững. Thu hút thêm du khách đến TP HCM bằng việc hình thành một khu vực quốc tế độc đáo tại TP Thủ Đức. Trên cơ sở người dân trên thế giới biết về "Thủ Đức - Việt Nam", yêu thích cách quảng bá đầy ấn tượng của TP Thủ Đức, tức là đã xây dựng được tên tuổi, thương hiệu thì TP Thủ Đức, TP HCM và Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hợp tác, phát triển trên các lĩnh vực.
Đặt tên đường mang tên TP nước ngoài kết nghĩa
Dù là TP trực thuộc TP HCM, trong thời gian tới, TP Thủ Đức có vai trò là vùng động lực phát triển kinh tế của TP HCM nên sẽ phải tính đến việc hợp tác với các TP lớn trên thế giới thông qua quan hệ kết nghĩa. Tuy nhiên, điều rất quan trọng cần có trong thỏa thuận thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa TP Thủ Đức với các TP nước ngoài là: TP nước ngoài đặt tên đường mang tên "Thủ Đức - Việt Nam" (hoặc "Thủ Đức - TP HCM - Việt Nam") tại nước họ; đổi lại, TP Thủ Đức đặt tên một con đường mang tên TP nước ngoài, theo nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ ngoại giao. Đây là điều mà từ trước đến nay, chưa tỉnh, thành Việt Nam nào lưu tâm dù rằng hầu hết các tỉnh, thành đều đã có quan hệ kết nghĩa với nhiều TP trên thế giới.
Ví dụ nếu ở TP Thủ Đức đặt tên đường "Eixample - Spain" (Eixample là một trong 10 quận của Barcelona - TP ở Tây Ban Nha kết nghĩa với TP HCM) thì ở Eixample cũng có tên đường "Thủ Đức - Việt Nam" hoặc "Thủ Đức - TP HCM - Việt Nam". Cứ như thế, với các TP lớn khác trên thế giới mà TP Thủ Đức đặt quan hệ kết nghĩa.
TP Thủ Đức cần nhiều ý tưởng chiến lược để quảng bá hình ảnh, thương hiệu Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Việc lấy tên TP của một nước để đặt tên đường ở một TP của nước khác nhằm thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa 2 địa phương đã từng có trên thế giới. Kết nghĩa với nhiều TP trên thế giới sẽ góp phần rất lớn trong việc quảng bá một TP mới thành lập ra khắp thế giới với tốc độ nhanh và bền vững.
Khi có tên đường "Thủ Đức - Việt Nam" (hoặc "Thủ Đức - TP HCM - Việt Nam") ở nước ngoài, sẽ rất thuận lợi để giới thiệu Thủ Đức - TP HCM với cộng đồng doanh nhân nước đó; đồng thời khắc sâu vào tâm trí, tình cảm của người dân nước sở tại. Theo thời gian, tên "Thủ Đức - Việt Nam" (hoặc "Thủ Đức - TP HCM - Việt Nam") được biết rộng rãi và trở nên quen thuộc ở nước ngoài thì cùng với nhiều nỗ lực vận động khác sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư, thương mại…, từ đó xây dựng tên tuổi, thương hiệu một cách vững chắc.
Tạo những điểm nhấn đặc trưng
Như vậy, TP Thủ Đức cần quy hoạch một khu vực hoàn toàn mới bao gồm nhiều con đường, mỗi đường phố mang tên TP nước ngoài theo thỏa thuận kết nghĩa. Sắp xếp thế nào thì cần có sự phối hợp với các nhà quy hoạch đô thị. Quan trọng nhất, TP Thủ Đức cần đề nghị TP kết nghĩa giúp đỡ để tạo một số điểm nhấn đặc trưng về kiến trúc, văn hóa của đất nước và TP đó tại TP Thủ Đức; để mỗi con đường mang tên TP một nước sẽ là hình ảnh thu nhỏ của TP đó, đất nước đó. Khi ấy, bản thân khu vực này sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Khu vực này cũng chính là nơi TP kết nghĩa phối hợp với TP Thủ Đức tổ chức nhiều tuần lễ hội văn hóa đường phố của các nước trên chính con đường mang tên TP của họ. Ví dụ lễ hội tháp người tổ chức trên đường mang tên một quận của Barcelona tại TP Thủ Đức; lễ hội hoa anh đào tổ chức trên đường mang tên TP Osaka (Nhật Bản)… Cũng tại khu vực này sẽ phát triển hàng loạt hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, tài chính độc đáo, khác biệt, chẳng hạn nhà hàng Pháp được kinh doanh bởi người Pháp ngay trên đường phố mang tên TP của Pháp. Không gian mới đầy hấp dẫn và khả năng sinh lợi cao này cũng là nơi thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế, đem tinh hoa thế giới về với mình.
Các tuần lễ hội văn hóa đường phố quốc tế này cùng với các di tích, thắng cảnh của TP HCM sẽ tạo ra sức hấp dẫn mới để thu hút khách lưu trú dài ngày. Theo TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, ý tưởng làm các con đường có bản sắc đa dạng là một định hướng quy hoạch thường được khuyến khích thực hiện trên thế giới. Cái chúng ta hướng đến không chỉ là tên gọi mà còn là hoạt động trên các tuyến đường đó.
TP Thủ Đức mới thành lập, chưa kết nghĩa với TP nào trên thế giới nên hoàn toàn chủ động lựa chọn quan hệ kết nghĩa để thực hiện chiến lược này.
Câu hỏi đặt ra là liệu các TP nước ngoài có sẵn sàng giúp đỡ để tạo một số điểm nhấn đặc trưng kiến trúc, văn hóa của đất nước họ, dân tộc họ, TP họ trên con đường mang tên TP nước họ tại TP Thủ Đức? Đây chính là vấn đề lợi ích cả 2 bên khi tham gia dự án và khi nhìn thấy lợi ích của họ, sẽ thúc đẩy họ nhanh chóng giúp đỡ, hợp tác trong dự án này.
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 bắt đầu từ ngày 4-6-2020 đến hết ngày 31-5-2021, tập trung vào 3 chủ đề chính: Đô thị thông minh, Khởi nghiệp - Thương hiệu của TP HCM và Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM.
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà) hoặc gửi trực tiếp đến Báo Người Lao Động tại địa chỉ: 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu (phường 6 cũ), quận 3, TP HCM.
Giải thưởng cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Bình luận (0)