TP HCM là thành phố lớn và năng động nhất cả nước, có lực lượng trí thức công nghệ đông đảo, cộng với khoảng gần 50% startup (công ty khởi nghiệp) chọn làm nơi khởi nghiệp. Đó là tiền đề để TP HCM trở thành trung tâm khởi nghiệp hàng đầu của nước ta và xa hơn là của cả khu vực.
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh
Tháng 10-2020, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP HCM chính thức được khởi công xây dựng, là tín hiệu vui cho cộng đồng khởi nghiệp thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Song, với một thành phố hơn 10 triệu dân, đó chỉ mới là bước khởi đầu cho việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh.
Bài học kinh nghiệm từ các thành phố khởi nghiệp đi trước như Seoul - Hàn Quốc, Bangalore - Ấn Độ hay Singapore, bên cạnh trung tâm khởi nghiệp đóng vai trò đầu não kiểm soát và vận hành hàng chục cơ sở hỗ trợ startup trải rộng khắp thành phố, còn rất nhiều vườn ươm công nghệ khác được thành lập. Tất cả tạo thành một hệ sinh thái công nghệ đa dạng.
Vai trò của thành phố thông qua trung tâm khởi nghiệp là lấp đầy "khoảng trống" để tạo thành một hệ sinh thái công nghệ hoàn chỉnh, thay vì cố gắng "giành việc" của những vườn ươm công nghệ khác, tránh được việc chồng chéo lẫn nhau. Bởi vây, bên cạnh Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò chủ chốt, TP HCM cần xây dựng mạng lưới cơ sở tại các quận, huyện, viện, trường..., cũng như khuyến khích các nhà đầu tư tham gia. Trung tâm sẽ là đầu mối, liên kết giữa các vườn ươm công nghệ, liên kết giữa startup với các quỹ đầu tư hay các đơn vị hỗ trợ phát triển thị trường; bồi dưỡng kỹ năng quản trị, kỹ năng xin cấp vốn, cách giải quyết các trở ngại trong quá trình startup mở rộng quy mô. TP HCM chỉ nên làm những công việc mà tư nhân không thể làm, thay vì cố gắng ôm đồm mọi việc. Có như vậy mới phát huy được tính hiệu quả và huy động nguồn lực xã hội trong việc xây dựng thành phố khởi nghiệp.
Với tư duy đổi mới, sáng tạo, TP HCM sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp có tầm vóc Ảnh: Hoàng Triều
Thủ tục đơn giản, có cơ chế ưu đãi
Một trong những trở ngại là thủ tục quá rườm rà, phức tạp khiến cho các startup chùn chân. Trong thời đại công nghệ 4.0, với các startup, đặc biệt là startup công nghệ, yếu tố "nhanh" và "phủ sóng" đóng vai trò then chốt của thành công. Vì vậy, tạo ra một môi trường thông thoáng, cơ chế minh bạch, rõ ràng sẽ tạo động lực thu hút thêm nhiều startup không chỉ của Việt Nam mà cả nước ngoài chọn TP HCM làm nơi khởi nghiệp.
Trong giai đoạn đầu, các startup thường thiếu vốn để triển khai ý tưởng. Trong khi đó, nhà đầu tư thường không rót vốn ở giai đoạn này (chưa có sản phẩm ra thị trường). TP HCM nên thông qua Trung tâm Khởi nghiệp làm "nhà đầu tư thiên thần", dành ra nguồn vốn đủ cho việc "đầu tư mạo hiểm" nếu ý tưởng của startup khả thi và sáng tạo. Thực tế cho thấy chỉ một tỉ lệ nhỏ startup có thể tồn tại và phát triển sau vài năm khởi nghiệp, song chỉ cần một startup trong số đó vươn lên trở thành "kỳ lân" thì sẽ đóng góp cho thành phố nguồn lợi rất lớn. Khoản đầu tư mạo hiểm này sẽ được giải ngân một phần và tái thẩm định một năm sau đó, vừa hạn chế rủi ro khi startup thất bại vừa kiểm tra nguồn vốn đã được triển khai.
Với nhà đầu tư, cần có chính sách ưu đãi đặc thù. Họ xây dựng vườn ươm, rót vốn vào startup thì khi startup thành công, họ nhận lại được gì? Là miễn giảm thuế hay cơ chế ưu đãi cho một khoản đầu tư khác? Đầu tư vào startup đồng nghĩa với rủi ro và thất bại nên khi thành công, họ cần nhận lại những gì xứng đáng. Khi thành phố giải quyết được những câu hỏi đó, sẽ có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia làm bệ phóng cho startup đi lên.
Thêm vào đó, với các startup công nghệ, thị trường trong nước chỉ là bước tạo đà trước khi vươn ra thế giới. Những đơn vị phát triển thị trường sẽ giúp startup tiếp cận thị trường bên ngoài nhanh nhất có thể. Một khi startup thành công trên trường quốc tế sẽ đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho TP HCM phục vụ mục tiêu phát triển dài hạn. Những đơn vị này cũng cần được tạo điều kiện thuận lợi để kết nối startup, ví dụ dành riêng một không gian trong Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo. Tất cả tạo thành sự liên kết nhanh chóng giữa ba bên: nhà đầu tư - startup - đơn vị phát triển thị trường.
TP HCM đang trải qua những ngày tháng khó khăn bởi "cơn bão" Covid-19 với hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, thậm chí phá sản. Đó là thách thức nhưng cũng là đợt thanh lọc lại thị trường, loại dần những doanh nghiệp yếu kém. Khi "cơn bão" qua đi, những "mầm xanh" với tư duy đổi mới, sáng tạo cộng thêm những thay đổi trong chính sách của thành phố sẽ giúp giấc mơ biến TP HCM trở thành trung tâm khởi nghiệp mang tầm vóc khu vực sẽ không xa...
Mời tham dự cuộc thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm, cần ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)