Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngập nghiêm trọng trong thời gian qua, trong đó có những lý do chính như: Mặt đất bị ngăn cách bởi bê-tông hoặc nhựa đường; dòng chảy không phân tán mà tập trung về những hướng nhất định; lòng sông bị thu hẹp do mở rộng khu dân cư hoặc đá bờ bao; diện tích mặt đất bị thu hẹp do công viên, hồ ao tự nhiên biến mất, thậm chí dòng chảy từ các con kênh biến thành cống hộp; lượng mưa trong từng cơn mưa tăng cao...
Vậy cách thức xử lý cơ bản cho việc chống ngập như thế nào?
Một công đôi ba việc
Do biến đổi khí hậu, lượng nước mưa phân bổ không đều, chỗ hạn hán thường xuyên, chỗ khô hạn cục bộ, chỗ ngập úng quanh năm, chỗ ngập úng cục bộ. Đã vậy tốc độ bê-tông trên mặt đất ngày càng tăng và nối liền nhau tạo thành những mảng khiến cho việc cân bằng nước bị phá vỡ.
Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ không phải chỉ chống ngập mà còn phải tìm cách giữ nước mưa lại để không chảy ngược ra biển, từ đó giảm tăng mực nước biển, giảm ngập cho những vùng thấp, trả lại nước cho các mạch ngầm và sử dụng nước mưa để phục vụ sinh hoạt.
Giải pháp chính là sử dụng nước mưa thành nước sinh hoạt thông qua việc lưu trữ nước. Tổng lượng nước sạch mà TP có thể cung cấp cho người dân trong một năm khoảng 1 tỉ khối nước. Trong khi đó lưu lượng mưa cả năm của TP tương đương 4 tỉ khối nước. Trong 1 tỉ khối nước cung cấp cho người dân TP có một phần là nước ngầm, còn lại là từ nước sông. Khai thác nước ngầm về lâu dài khiến TP ngày càng lún, gây ngập lụt. Bên cạnh đó, chất lượng trên các dòng sông ngày càng ô nhiễm khiến việc xử lý tốn kém hơn. Lưu lượng nước ngày càng cực đoan, mùa thì cạn kiệt, mùa thì ngập. Cần thay đổi tư duy, xem nước mưa như là một nguồn tài nguyên để khai thác. Vì mưa gần như quanh năm, lúc nào cũng có thể khai thác; chi phí đầu tư thấp; có thể lưu chuyển từ vùng nhiều mưa sang vùng ít mưa; có thể lưu trữ cho lúc cạn kiệt. Hơn nữa, thu hồi được nước mưa cũng giúp cơ bản giải quyết tình trạng ngập úng ở nơi trũng; giúp tạo ý thức về việc sử dụng và tiết kiệm nước.
Ngập úng đang là vấn đề gây bức xúc tại TP HCM. Trong ảnh: Ngập trên đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức, TP HCM) sau trận mưa lớn ngày 17-7. Ảnh: GIA MINH
Phương thức thực hiện đơn giản
Có 2 phương thức: Trữ nước tại nhà và trữ nước tại khu chuyên biệt. Cần khuyến khích các nhà khoa học đưa ra thiết kế lọc nước mưa dùng cho sinh hoạt và dùng cho ăn uống. Ngoài ra, giống như điện mặt trời, mưa có thể có cục bộ, tùy theo thời gian, phải có lưới vận chuyển nước giữa khu xử lý tập trung và người dùng. Nếu người dùng dư có thể gom nước bán lại cho khu xử lý và khi không có mưa có thể mua nước về dùng. Việc trữ nước tại những khu chuyên nghiệp sẽ giúp thu hồi, xử lý nước mưa cung cấp cho sinh hoạt, tiêu dùng và biến thành hàng hóa.
Bên cạnh đó, có thể thực hiện giải pháp đưa nước qua nền bê-tông hoặc nhựa đường. Sử dụng lề đường là nơi thu hồi nước mưa; sử dụng toàn bộ mặt bằng bên dưới lòng đường và lề đường làm nơi chứa nước mưa chờ thẩm thấu xuống các mạch ngầm. Theo thứ tự thiết kế xây dựng thông thường cho lề đường và lòng đường, mặt trên cùng là bê-tông (hoặc nhựa đường), dưới lớp đó thường là lớp đá mi, dưới lớp đá mi là đá lớn, dưới cùng là đất nện. Tận dụng 2 lớp đá này để làm hồ tự nhiên giữ nước khi mưa và chờ thẩm thấu xuống mạch ngầm.
PGS-TS HỒ LONG PHI,nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý Nước và Biến đổi khí hậu (ĐHQG TP HCM):
Chống ngập: Cần xóa bao cấp
Tình trạng ngập nước hiện không chỉ xảy ra ở TP HCM mà nhiều tỉnh, thành khác cũng có. Nguyên nhân do sự ồ ạt của quá trình bê-tông hóa, không tôn trọng quy luật tự nhiên, quy luật của hệ thống thoát nước.
Lẽ ra, đô thị hóa đến đâu, hệ thống thoát nước phải đi đến đó, gắn trách nhiệm của nhà đầu tư hoặc tính thành tiền để họ chi trả vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay ở các dự án, công trình, nhà đầu tư san lấp, nâng nền..., sau đó bán lại và rời đi, không bị ràng buộc trách nhiệm chi trả những chi phí kèm theo. Tất cả những chi phí giải quyết phía sau nhà nước phải chạy theo, loay hoay giải quyết. Đó là một bất cập lớn.
Hiện nay, chi phí cho phát triển hạ tầng, điển hình là giải quyết tình trạng ngập nước tại TP HCM chưa tính đúng, tính đủ. Nếu có cơ chế quy giá thành như 1 m2 đất có thêm các chi phí liên quan như thoát nước, điện..., nhà đầu tư và những người sinh sống ở những mảnh đất đó phải chi trả, thì đô thị mới phát triển đồng bộ. Trong giải quyết ngập úng, vấn đề kỹ thuật không khó mà là cơ chế. Nếu tạo ra một cơ chế đúng, sẽ ngăn ngừa được những điểm ngập phát sinh và có thêm chi phí để giải quyết những điểm ngập hiện hữu; đồng thời tạo điều kiện để đầu tư, phát triển những khu vực ít có khả năng ngập. Như hiện nay, cứ phát triển xong là có người khác giải quyết, giải quyết không được thì người đó phải chịu trách nhiệm chứ không phải người thực hiện trước đó.
Trong khi đó, kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng với hệ thống thoát nước, xử lý nước thải quá ít, dẫn đến hệ lụy là càng đầu tư càng bất cập bởi "phình" thêm chi phí vận hành, duy tu. Do đó, TP HCM cần có giải pháp thu phí thoát nước phù hợp, tăng phí theo đúng cơ chế thị trường. Nói cách khác, phải xóa bỏ bao cấp trong việc chống ngập thì mới giải quyết được vấn đề căn cơ. Khi có cơ chế tính đúng, tính đủ, tư nhân cũng sẽ tự động tham gia và xã hội được hưởng lợi.
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)